Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng
Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) vừa công bố báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 01 và tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm.
Theo dự báo của Bộ này, GDP quý I ước tính đạt 6,58% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, đối chiếu với kịch bản tăng trưởng lần 1 được xây dựng cuối tháng 11/2018, tốc độ tăng trưởng quý I năm nay được dự báo thấp hơn cả mức 6,76% của kịch bản theo phương án thấp.
Khu vực công nghiệp, xây dựng phải tăng trưởng cao hơn kịch bản cũ. Ảnh: Tạp chí Công Thương.
"Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% như kịch bản lần 1 đã đề ra, các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả ở trong nước và quốc tế. Tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh để các quý còn lại của năm 2019. Khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng", Bộ KHĐT nhận định.
Bộ cũng đưa ra phương án điều chỉnh kịch bản tăng trưởng ở khu vực công nghiệp và xây dựng để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, ở phương án tăng trưởng cao, GDP năm 2019 tăng 6,8% so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng phải tăng trong quý II là 9,11%; quý 3 tăng 9,28%; quý 4 tăng 8,02% để cả năm tăng 8,57% như kịch bản lần 1 đã đặt ra.
Theo đó, GDP quý II, III và IV tăng lần lượt là 6,77%; 7,13% và 6,7%.
Ở phương án tăng trưởng thấp,GDP năm 2019 tăng 6,6% so với năm 2018. Khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) quý 2 tăng 8,75%; quý 3 tăng 8,91%; quý 4 tăng 7,63%để cả năm tăng 8,26% như kịch bản lần 1.
Theo đó, GDP quý II, III và IV tăng lần lượt là 6,55%; 6,89% và 6,4%.
Cập nhật Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019 theo các quý. Nguồn: Bộ KHĐT.
Đối mặt nhiều khó khăn
Theo Bộ KHĐT, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Bộ chỉ ra thách thức từ nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam.
Chuỗi cung ứng thay đổi khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng cũng sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.
Cũng theo báo cáo này, công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.
Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, FTA với EU…) đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng so với yêu cầu tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...
Về động lực, Bộ cho biết chủ yếu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đến từ đà tăng trưởng kinh tế cao và toàn diện trong năm 2018, từ môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, bổ sung nhiều năng lực sản xuất mới, hoạt động thương mại quốc tế mở rộng, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả…