Đây là một trong những nội dung góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới Bộ Công Thương về dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Nhiều ý kiến của cơ quan này ủng hộ cho phương án 1 trong dự thảo tờ trình của Bộ Công Thương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vừa qua, những biến động trên thị trường xăng dầu do nguồn cung có bất ổn cục bộ. Một trong những nguyên nhân là chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, đủ trong cơ cấu giá cơ sở, dẫn tới doanh nghiệp thua lỗ, không có động lực duy trì kinh doanh. Việc điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vừa qua, chi phí xăng dầu chưa được tính đúng, đủ, khiến doanh nghiệp thua lỗ, không còn động lực duy trì kinh doanh
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết, điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về việc cho phép đại lý bán lẻ lấy từ nhiều nguồn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn, đựng chung trong cùng một bồn, bể chứa sẽ dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá bán xăng dầu. Đặc biệt là việc xác định trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố cháy nổ, gian lận thương mại...
Việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ một nguồn cũng có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc đảm bảo có đủ hàng để bán ra thị trường trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc… của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Về quy định thương nhân phân phối chỉ được lấy tối đa từ 3 thương nhân đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng điều này chưa phù hợp với các quy định tại Luật Doanh nghiệp và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thương nhân phân phối .
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành với doanh nghiệp đầu mối, nhưng cần bổ sung cơ chế sử dụng xăng dầu dự trữ lưu thông bắt buộc của doanh nghiệp.
Với việc vận hành sử dụng quỹ bình ổn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý với phương án tiếp tục giữ nguyên công cụ này, nhưng sẽ sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng trên cơ sở đánh giá và làm rõ căn cứ đề xuất. Cụ thể, cơ quan nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.