Nhận định trên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Bộ trưởng cho rằng dự báo thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay, nhưng để đạt được mức này là phải sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cả địa phương. Nếu GDP năm nay đạt 3,5-4% thì trong hai năm liên tiếp, Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, không đạt được mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Năm ngoái GDP tăng trưởng 2,92%.
Theo dự báo, xuất khẩu năm nay của Việt Nam có thể tăng 10%, thu ngân sách vượt dự toán. “Tăng trưởng sẽ thấp nhưng là khá ấn tượng trong bối cảnh thế giới hiện nay”, ông Dũng chia sẻ.
Nói về năm 2022, Bộ trưởng cho biết đây sẽ là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường, nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với dịch bệnh.
Ngoài ra, ông cũng cho biết một điểm sáng là kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi trong năm 2022. Tuy nhiên, đà phục hồi chậm hơn dự báo trước đây và không đồng đều giữa các nước. Nước nào có độ phủ tiêm chủng lớn và nhanh thì có thể mở cửa sớm và có thể phục hồi.
Trật tự thương mại, cơ cấu đầu tư chắc chắn có sự thay đổi và chuyển dịch, kể cả chuỗi sản xuất và cung ứng, tác động đến Việt Nam. “Cần xác định những cơ hội để tận dụng, và hạn chế rủi ro”, ông nhận định.
Theo dự báo, xuất khẩu năm nay của Việt Nam có thể tăng 10%.
Liên quan đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan này đang dần hoàn thiện đề án phục hồi kinh tế. Đề án xác định cả năm 2022 và 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế. “Ngay trong tháng 10 chúng tôi sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua”, ông Dũng cho biết.
“Thế giới thay đổi rất nhanh, nếu không xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ và thích ứng thì chúng ta sẽ bị động bất ngờ. Ví dụ như dịch bệnh có thể diễn biến kéo dài, chưa nói đến đối mặt với thiên tai”, ông Dũng nhấn mạnh. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án một đề án xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt nếu kiểm soát được dịch bệnh. Chính phủ đang đi đúng hướng trong xác định và triển khai chiến lược vaccine, các chính sách kinh tế trọng tâm.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh, Việt Nam đang trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng mang tầm khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây. "Song, cần chú ý, khả năng kiểm soát dịch COVID-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn", ông Tim Leelahaphan nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ FTA, chuyển đổi số, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây chính là động lực cả trước mắt và dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cũng là các biện pháp mà Việt Nam đã quyết liệt thực hiện kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020.
Đề cập tới thực trạng, những khó khăn do dịch bệnh đang "ngấm" ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, những giải pháp tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ là rất kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ, với tiêu chí dễ tiếp cận hơn để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.