Tại phiên thảo luận về các giải pháp phục hồi và tăng trưởng cho Việt Nam trong khuôn khổ hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc" diễn ra ngày 20/1, liên quan đến dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021-2025, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Đây là bản kế hoạch 5 năm mà có lẽ chưa bao giờ được thực hiện công phu như thế".
"Chưa bao giờ chúng tôi nhận được một lượng tham gia ý kiến đông đảo, chất lượng như lần chuẩn bị lần này. Đây là một điểm rất mới được đưa ra trong quá trình chuẩn bị", ông Trung nói thêm. Theo đó, mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới, đó là Việt Nam cố gắng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp tương đối hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. "Đây có thể nói là mục tiêu rất to lớn và khó khăn".
Theo ông Đỗ Thành Trung, chúng ta cần nhìn vào thực lực bởi "khi nhìn vào thực lực thì luôn có giải pháp để dự phòng". Do vậy, yếu tố dịch bệnh Covid-19 cũng được xem xét đến trong kế hoạch năm 2021, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính khả thi. Rõ ràng, dịch bệnh đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời làm thay đổi các yếu tố về sản xuất. "Có lẽ chúng ta vẫn chưa hình dung nổi phương thức sản xuất đã thay đổi nhanh đến mức nào", đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân nhận định.
Trong kế hoạch 5 năm, Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục đưa ra các đột phá chính như các yếu tố về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, về yếu tố văn hóa, thể chế và nguồn lực. "Chúng ta có thể đưa ra mục tiêu, có thể có rất nhiều nghiên cứu, song tất cả đều căn cứ vào các dự báo và xu hướng. Tuy nhiên, xu hướng có thể thay đổi rất nhanh, đơn cử như vừa qua, chỉ cần một cơn đại dịch đã thay đổi toàn bộ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư từng nói, chúng ta muốn đi nhanh, chúng ta phải chọn được con đường đi đúng. Mọi chính sách của Chính phủ thì phải xoay quanh người dân. Không thể một lần nữa chúng ta đứng ngoài hoặc đi sau khi một cuộc chơi mới, một sự sắp xếp mới đang hình thành", Vụ Trưởng Đỗ Thành Trung cho hay.
Đối với vấn đề phục hồi, ví dụ tại các doanh nghiệp, cần có kết nối để nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, làm sao cho nền kinh tế lớn hơn để đủ sức gia nhập, doanh nghiệp vừa thì phải trở thành lớn, nhỏ thì trở thành vừa.
Đối với đầu tư công, đây là một xu hướng đóng góp lớn trong tái cơ cấu ngành kinh tế cũng như tái cơ cấu đầu tư. "Mặc dù đầu tư công không đóng vai trò lớn, nhưng đầu tư công phải trở thành vai trò dẫn dắt. Đặc biệt hiện nay, cần đầu tư ngay vào các trung tâm cảng biển, logistics, đường nối giữa cảng biển", ông Trung nêu rõ.
Cuối cùng, ông kết luận, câu hỏi lớn nhất đối với Bộ Kế hoạch Đầu tư đó là làm sao tạo ra động lực tăng trưởng mới. Đầu tư công hiện đang được kỳ vọng với phương thức thay đổi hoàn toàn khác, tập trung và phát triển dự án liên vùng, dự án xương sống của quốc gia trong 5 năm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí.