Tổ công tác gồm các thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến dự án đầu tư hoặc trực tiếp triển khai dự án gồm Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổ công tác có kế hoạch mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương và địa phương, một số chuyên gia theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đề xuất việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của các dự án đầu tư tại các trung tâm, thành phố lớn.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát các dự án đầu tư gồm dự án đầu tư công, bao gồm cả dự án ODA và vốn vay ưu đãi; dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm dự án FDI và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch; đặc biệt là hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các vướng mắc thúc đẩy phát triển; phải xây dựng bằng được cơ chế chính sách ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp một cách khoa học, hợp lý để tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đóng góp cho đất nước. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ có cơ chế bảo vệ và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia các dự án đối tác công tư (PPP), đồng thời cũng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở các địa phương thời gian qua góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực. Tuy nhiên một số dự án đầu tư ở địa phương không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký, có không ít dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực trạng này đã và đang là nút thắt cho phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và thu hút đầu tư của các địa phương nói riêng.
Do vậy, việc thành lập tổ công tác nhằm tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án là cần thiết, cấp bách nhằm xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội.