Theo đó, TS Trần Toàn Thắng nhận định rằng chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) là một trong những chỉ số tương đối khái quát về doanh nghiệp, do nó liên quan đến nhu cầu đặt hàng.
Hồi tháng 2/2020, PMI ở Trung Quốc đã suy giảm đến mức cực kì thấp, có thời điểm chỉ ở khoảng mức hơn 30 điểm. Sang tháng 4, chỉ số PMI toàn cầu đã suy giảm ở mức đáng kể. Đặc biệt, lúc này PMI Trung Quốc lại được phục hồi.
Nhìn chung, chỉ số PMI hiện nay đã phục hồi hầu hết trên ở các quốc gia trên thế giới.
Ông Thắng chỉ ra rằng, điều này đã khiến những dự báo tiêu cực trước đây về tình hình kinh doanh, thương mại và kinh tế thế giới thực ra không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, tình hình tăng trưởng hiện nay ở các quốc gia không quá ảm đạm như những dự báo trước đó.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng đã điều chỉnh dự báo theo hướng tích cực hơn khá nhiều.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF) cũng đã đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Theo đó, tình hình kinh tế ở các nước châu Mỹ vẫn tương đối ảm đạm.
Tương tự như vậy, một số dự báo hồi tháng 4 cũng cho rằng thương mại toàn cầu thậm chí có thể giảm đến 32% trong kịch bản xấu nhất. Đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng con số này quá tiêu cực. Thực tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi.
Tuy vậy, thương mại toàn cầu lại bao gồm thương mại hàng hóa và thương mại du lịch.
Không thể phủ nhận khối thương mại du lịch là một trong những khối chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu gần đây nhất của OECD chỉ ra rằng tỷ lệ phục hồi thương mại hàng hóa tương đối nhanh, từ 40-60% trong giai đoạn từ tháng 7 và tháng 8/2020. Lý do là hầu hết các sản phẩm đều là những mặt hàng thiết yếu, điển hình như hàng tiêu dùng cá nhân.
Ngược lại, hầu hết các sản phẩm dịch vụ vẫn đang trong giai đoạn suy giảm tương đối sâu.
Song NCIF vẫn đánh giá hoạt động thương mại Việt Nam hiện nay không quá tiêu cực so với những dự báo ban đầu bởi hai lý do:
Thứ nhất, phân khúc hàng Việt Nam không phải là phân khúc quá nhạy cảm. Hầu như đây đều là các mặt hàng thiết yếu, do vậy nhu cầu nhập khẩu vẫn tăng đáng kể, đặc biệt ở khu vực các thị trường mới nổi.
Thứ hai, PMI các thị trường đối tác đều đang có dấu hiệu phục hồi. Ví dụ như PMI Trung Quốc, EU đều đang ở trên mức 50 điểm.
Ngoài ra, PMI ở các thị trường châu Mỹ như Brazil, Canada,... cũng đã vượt qua mốc 50 điểm. Riêng chỉ có Mexico vẫn là một trong những nước có chỉ số PMI tương đối ảm đạm.
Việt Nam còn dư địa gì để tiếp tục xuất khẩu sang châu Mỹ trong năm 2021?
Đại diện NCIF cho biết, tốc độ cắt giảm thuế quan trong CPTPP vào năm 2021 của Việt Nam không còn nhiều. Cụ thể, bước sang năm thứ 3 của hiệp định CPTPP - tức năm 2021, nhiều mặt hàng đã ở điểm giữa cho thấy tốc độ cắt giảm thuế quan sẽ không quá đột biến. Nói cách khác, đây không phải là yếu tố quá lớn để có thể kích thích xuất khẩu của Việt Nam.
NCIF cũng dự báo rằng nhu cầu nhập khẩu của Mỹ cũng sẽ tiếp tục ở mức tương đối thấp trong các quý tiếp theo. Nhìn chung, nhu cầu nhập khẩu tăng hay chậm liên quan trực tiếp đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.