Sáng 3/4 tại trụ sở Chính phủ, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 3, đánh giá tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đọc Tờ trình về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2024. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đưa ra hàng loạt chỉ tiêu lớn của nền kinh tế như: Chỉ số CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; Xuất siêu nền kinh tế 8,08 tỷ USD; Tổng vốn FDI đăng ký quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023; Giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16,5 nghìn tỷ đồng;...
Về khó khăn, thách thức, Bộ KH&ĐT nhìn nhận, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019. Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Nhấn mạnh đến khó khăn của ngành hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập, ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân.
"Khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại, hạn chế ảnh hưởng lên giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước", Bộ trưởng KH&ĐT nêu.
Ngoài ngành hàng không, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh đến khó khăn của hàng loạt các ngành, lĩnh vực trong đó thị trường bất động sản vẫn trầm lắng; gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023; áp lực lạm phát, tỷ giá, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro.
"Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn", ông Dũng nêu.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%), làm tăng chi phí của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất cho vay, sức chống chịu trước các thách thức trên thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu và có thể tiềm ẩn rủi ro đến an toàn hệ thống, theo ông Dũng.
Về các dự án đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu: Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Việc cấp phép các mỏ cát mới, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác còn chậm, gặp nhiều vướng mắc.
Về dự báo kinh tế trong quý II và 9 tháng cuối năm, tư lệnh ngành KH&ĐT khẳng định: Khó khăn, thách thức còn rất lớn. Trong đó lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
Bộ trưởng Dũng dự báo tình hình kinh tế trong quý II và các tháng cuối năm với hai kịch bản, trong đó kịch bản 1, dự kiến GDP tăng 6% và kịch bản 2 là GDP cả năm đạt 6,5%.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, theo Bộ KH&ĐT, muốn đạt các chỉ tiêu tăng trưởng, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong đó tiếp tục xem xét quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đồng thời, nghiên cứu chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024.
Khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực ưu tiên (như lúa gạo). Bên cạnh đó, công khai mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trước ngày 10/4/2024 và khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.
Đề cập đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng.
Đối với ngành tài chính - ngân hàng, ông Dũng đề nghị theo dõi sát, nắm chắc tình hình, nhất là lạm phát trong bối cảnh Fed, Ngân hàng Châu Âu thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, cần chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh.