Thứ nhất, nhóm chính sách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và y tế. Nội dung chính là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo như Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Giải pháp này cần đến kinh phí và được thể hiện trong gói chính sách tài khóa, tiền tệ.
Về dài hạn, Việt Nam cần nâng cao năng lực y tế và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đây là giải pháp không thể thực hiện trong một sớm một chiều vì ngoài vấn đề về vật chất như cơ sở y tế, trang thiết bị máy móc còn có cần đào tạo về con người với số lượng đáp ứng yêu cầu thì đòi hỏi phải có thời gian.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương chia sẻ. Nguồn: MPI.
Thứ hai là nhóm chính sách về an sinh xã hội. Việt Nam sẽ luôn song hành phát triển bền vững, phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, an sinh xã hội là mục tiêu trọng tâm trong phát triển bền vững, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo đó, nhiều nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng được nghiên cứu và mở rộng thêm. Cụ thể, có đề cập đến các đối tượng như công nhân trong khu công nghiệp để lôi kéo, giữ chân, hấp dẫn công nhân quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, những lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ được tạo điều kiện để có thể ăn ở, sinh hoạt đảm bảo cuộc sống lâu dài.
Ngoài ra, nhóm chính sách này còn có những giải pháp về tiền tệ. Cụ thể là cho vay ưu đãi đối với các đối tượng, trong đó tập trung thêm vào nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học…
Thứ ba là nhóm chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung chủ yếu vào các giải pháp về tài khóa, bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí như đã thực hiện trong thời gian vừa qua sẽ được rà soát để tiếp tục thực hiện.
Nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển, Nhà nước sẽ có các giải pháp về cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất.
Thứ tư là kích cầu đầu tư công. Nhóm giải pháp này có ý nghĩa "kép", tức là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa dài hạn tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.
Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những trọng tâm quan trọng được xác định là định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ bản là hạ tầng lớn, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu thì tập trung vào hạ tầng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương chia sẻ:" Giải pháp về đầu tư công là giải pháp khó. Đây là vấn đề trong ngắn và dài hạn, để thực hiện trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị phải rất tốt, dự án phải sẵn có, năng lực của nhà thầu thực hiện phải tốt. Nhưng trên thực tế khi chuẩn bị dự án có rất nhiều thủ tục cần nhiều thời gian. Còn đối với năng lực nhà thầu, hiện nay giá cả nguyên liệu đầu vào cho đầu tư công đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này."
Theo đó, giải pháp này sẽ kích thích đầu tư phục vụ tăng trưởng trong ngắn hạn. Về dài hạn, giải pháp này sẽ phục vụ cho tăng trưởng của giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là phấn đấu hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Thứ năm là là về quản lý điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro. Theo đó, giải pháp về cải cách hành chính đòi hỏi sự đồng thuận cao của các bộ, ngành. Tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước đang chiếm phần lớn, hơn 70%. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính có thể sẽ khuyến khích được đầu tư ngoài nhà nước.
Vào tháng 12/2021, Quốc hội dự kiến tổ chức Kỳ họp chuyên đề, với 5 nội dung quan trọng gồm:
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật
- Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
- Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư
- Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
- Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.