Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, cử tri Hà Nội kiến nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu trình Quốc hội có cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội, trong đó: phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng, đề án giãn dân quận Hoàn Kiếm, tuyến phố Tràng Tiền thành tuyến phố thời trang cao cấp...; đồng thời, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trả lời vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho biết, để tiếp tục trình Quốc hội cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội, thành phố cần có đánh giá tổng thể, chi tiết về việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả như mong đợi, từ đó xác định sự cần thiết và phù hợp của việc xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Người dân Hà Nội đang rất mong chờ quy hoạch sông Hồng triển khai trên thực địa. Ảnh: PV
Về quy hoạch sông Hồng , Bộ KH&ĐT cho biết, hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát, tổng kết Luật Thủ đô. Đối với kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét, nghiên cứu trong quá trình sửa Luật Thủ đô gắn với xây dựng triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Cử tri Hà Nội đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của T.Ư trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho biết, đối với Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội , tính đến hết năm 2020, tổng vốn ngân sách T.Ư đã bố trí thực hiện dự án hơn 2.621 tỷ đồng, trong đó, hơn 2.246 tỷ đồng vốn trong nước và 375 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, dự án được bố trí 1.564 tỷ đồng (vốn trong nước). Theo văn bản số 1234 ngày 29/11/2021 của Kiểm toán Nhà nước, tiến độ giải ngân của dự án rất thấp. "Vì vậy, đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội đảm bảo tiến độ giải ngân dự án tránh trường hợp bố trí vốn nhưng không giải ngân hết số vốn được phân bổ", văn bản nêu.
Hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn nhiều dang dở. Ảnh: Trường Phong
Về hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc (quy mô 1.036 ha, thực hiện từ nguồn vốn ODA) với mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được ưu tiên bố trí đủ vốn đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án, đến năm 2020 dự án kết thúc hoàn thành tạo ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và nhu cầu của các nhà đầu tư.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn theo nhu cầu hơn 2.367 tỷ đồng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
"Để đạt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021-2025, đề nghị cử tri thành phố Hà Nội có ý kiến với UBND thành phố Hà Nội có biện pháp tích cực đẩy mạnh giải ngân công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2022, đảm bảo mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn 2021- 2025", văn bản của Bộ KH&ĐT nêu.