Theo ông Diệp, nhìn vào số liệu thống kê 5 năm qua (kể từ khi có bản tin cập nhật thị trường lao động), sẽ thấy tính đến quý 1/2019 lực lượng lao động đã tăng hơn 2 triệu người so với cùng kỳ năm 2014
"Nếu tính 5 năm, mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng 400.000 người, không dồi dào lực lượng lao động như ta vẫn nói. Tính từng quý một sẽ thấy sự dịch chuyển lao động quá chậm, nhưng nếu nhìn cả 5 năm (20 quý) sẽ thấy lực lượng lao động đã, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tích cực. Lực lượng lao động nông nghiệp đã giảm 9%, bên cạnh đó lực lượng làm công hưởng lương tăng 9%...", ông Diệp nói.
Về tỷ lệ thất nghiệp, Thứ trưởng Diệp cho biết, qúy 4/2018 giảm so với qúy trước và cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ “đại học trở lên” giảm mạnh.
Cụ thể, qúy 4/2018, cả nước có 1, 062 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp. Trong đó, ở nhóm có trình độ “đại học trở lên” là 135,8 nghìn người (giảm 15,9 nghìn người) ; nhóm có trình độ “trung cấp” là 68,8 nghìn người (giảm 1,5 nghìn người).
Ngược lại, nhóm trình độ “cao đẳng”, số người thất nghiệp là 81,4 nghìn người (tăng 6,2 nghìn người); nhóm trình độ “sơ cấp nghề” có 27 nghìn người thất nghiệp (tăng 1,6 nghìn người so với qúy 3/2018).
Về thu nhập của lao động, TS Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, qúy 4/2018, thu nhập bình quân tháng của nhóm này là 5,88 triệu đồng, tăng 93 nghìn đồng so với Qúy 3/2018, và tăng 468 nghìn đồng so với cùng kỳ 2017. Thu nhập bình quân tháng của lao động có trình độ đại học trở lên là 8,27 triệu đồng.