Dù bị bố mẹ kịch liệt phản đối, nhưng anh Lâm Ngọc Tuấn vẫn quyết nghỉ việc nhà nước, về vườn trồng rau cho thỏa đam mê.
Vườn rau thủy canh rộng 1.500 m2 của anh Lâm Ngọc Tuấn, 37 tuổi ở cuối con hẻm 160, đường số 1, phường Long Trường, quận 9, TP.HCM. Bên trong, những luống rau cải, rau cúc, rau xà lách, rau dền, rau muống,... sắp tới ngày thu hoạch, lá xanh mơn mởn. Ngoài trời mưa xối xả nhưng vườn rau không bị ảnh hưởng vì đã có mái che.
3 giờ chiều, đi một vòng kiểm tra rễ, thân, lá, giá thể, nguồn nước có cung ứng đủ cho các máng rau hay không anh Tuấn mới yên tâm. Sinh năm 1983, đến nay, anh Tuấn đã hơn 5 năm làm nông dân. "Vườn rau này là tâm nguyện, đam mê mà tôi phải cãi bố mẹ mới làm được", anh Tuấn nói.
Anh Tuấn vốn là nhân viên một ngân hàng lớn, có chi nhánh tại quận 9, mức thu nhập khá tốt. Những lần đi thẩm định cho doanh nghiệp vay vốn, anh được chiêm ngưỡng nhiều vườn rau xanh mướt, đủ chủng loại nên rất thích.
Vườn rau ngàn m2, đủ các loại rau của anh Tuấn. |
Có niềm đam mê trồng trọt từ nhỏ, tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM, nhà bố mẹ lại có khu đất rộng 1.500 m2, thế nên anh Tuấn muốn nghỉ việc, vay vốn ngân hàng để trồng rau, nuôi cá. Tuy nhiên, ý định của anh bị bố mẹ nhất quyết từ chối, vì ông bà chỉ muốn con trai làm việc nhà nước cho ổn định.
Dù thế, anh Tuấn không từ bỏ đam mê. Năm 2010, tranh thủ thời gian rảnh sau giờ làm, ngày cuối tuần, thời gian nghỉ lễ anh lên mạng nghiên cứu phương pháp trồng rau, chọn giống, giá thể, loại rau nào phù hợp cho việc trồng ở đất, khí hậu Sài Gòn.
Sau 5 năm mày mò học hỏi, tích lũy được ít vốn anh bắt tay vào tập trồng rau bằng phương pháp thủy canh. Nghe con trai trình bày về kế hoạch làm ăn và hứa không nghỉ việc, bố mẹ anh Tuấn chấp nhận. “Tôi chỉ tận dụng 1.000 m2 đất của bố mẹ trồng để vừa làm vừa học, còn thời gian làm việc ở cơ quan”, anh Tuấn nhớ lại thời gian mới tập tành làm nông dân.
Anh Tuấn bên vườn rau xanh mướt của mình |
Lứa rau đầu tiên cho năng suất tốt nên anh Tuấn rất tâm đắc. Tuy nhiên, những lứa sau thì rau bị sâu bệnh, còi cọc, thậm chí bị úng, hư hỏng. “Do hệ thống thủy canh không đạt chuẩn dẫn đến bị thừa nước (trương nươc), làm rau chậm phát triển, ăn nhạt”, anh Tuấn giải thích.
Anh quyết định đăng ký một khoá học trồng rau, phương pháp trồng rau thủy canh trên mạng của những người có nhiều kinh nghiệm trong việc này rồi về áp dụng. Cuối năm 2018, anh dùng toàn bộ tiền tiết kiệm, vay thêm ngân hàng gần 2 tỷ và quyết định nghỉ việc ở nhà trồng rau. Anh Tuấn bị cả gia đình phản đối. Bố mẹ anh cho rằng con trai mình dại dột, song anh vẫn quyết làm.
“Tôi hứa sẽ làm tốt và sẽ thành công nên bố mẹ cũng nguôi ngoai”, người đàn ông Sài Gòn nhớ lại.
Đến nay, ngoài 1.500 m2 đất của bố mẹ, anh cùng một người bạn thuê thêm 8.000 m2 đất ở phường Long Trường, Long Thuận (Quận 9) trồng rau sạch. Anh Tuấn cho hay, gần hai năm qua mỗi ngày anh thu hoạch được 1 tấn rau, thu về mỗi tháng 600 triệu đồng.
Những cây rau xanh tốt sắp đến ngày thu hoạch. |
Theo anh Tuấn, việc trồng rau ở Sài Gòn không giống như ở Đà Lạt hay ở các tình phía Bắc vì khí hậu ở đây ấm quanh năm, đất không phì nhiêu, bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nên anh cải thiện bằng cách chọn mua hạt giống tốt, dùng mái che, quạt mát, nước sạch, trồng các loại rau nhanh thu hoạch: rau cải, rau dền, các loại xà lách, rau cúc,... |
Vườn rau của anh Tuấn trồng theo phương pháp hữu cơ, sử dụng tỏi, gừng, phân trùn quế, giá thể là xơ dừa nên hoàn toàn sạch. |
Anh Tuấn đang thử nghiệm các loại rau cho trái phù hợp với khí hậu Sài Gòn để đưa vào trồng đại trà. “Việc trồng rau cho trái, củ,... đòi hỏi nhiều thời gian, công chăm sóc, lựa chọn giá thể, nhân công nên tôi đang tiếp tục nghiên cứu”, anh Tuấn nói. |
Theo anh Tuấn, những loại rau ăn lá, thân như xà lách, rau cải, rau muống... từ khi gieo mầm đến lúc cho thu hoạch là 30 ngày. |
Sau khi hạt nẩy mầm, cây con được 7 ngày mới được trồng vào trong các máng thủy canh. |
Việc chọn giá thể giúp giữ chất dinh dưỡng nuôi cây, không hại đến cây cũng rất quan trọng. Anh Tuấn chọn giá thể xơ dừa để trồng rau. Đây là giá thể an toàn, giữ nước, độ ẩm tốt. Ngoài ra, anh dùng gừng, tỏi, phân trùn quế... để ngăn sâu bệnh. "Tôi không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu để tưới, bón cho rau, vì đây là phương pháp trồng rau hữu cơ", ông chủ vườn rau khẳng định. |
Anh Tuấn chỉ chọn 3 cây rau vào một ống để rau nhanh phát triển và dễ chăm sóc. |
Để đưa cây rau đến tay người tiêu dùng thì phải qua các bước: cắt, rửa sạch, hong cho ráo nước để tránh bị úng, hư trước khi cho vào bịch... Mỗi kg rau này giá từ 35.000-50.000 đồng. |
Nguyễn Thuần