Zhong Huijuan từng là một giáo viên dạy hoá. Bà thành lập Hansoh vào năm 1995, vượt qua Wu Yajun - "nữ tướng" của đế chế bất động sản Longfor, để trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất châu Á. Bà Zhong hiện là người giàu thứ 2 châu Á, chỉ đứng sau Yang Huiyan - đồng chủ tịch của Country Garden Holdings.
Bà Zhong tốt nghiệp Đại học Sư phạm Giang Tô chuyên ngành hoá học vào tháng 7/1982. Sau đó, đầu những năm 1990, bà là giáo viên môn hoá tại trường trung học Diên An, ở Liên Vân Cảng, theo All-China Women’s Foundation.
2 ngày trước, Zhong Huijuan thậm chí không phải là thành viên giàu có nhất trong gia đình. Giờ đây, bà đã trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất châu Á, với khối tài sản 10,5 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Phần lớn tài sản đến từ 68% cổ phần bà nắm giữ trong Tập đoàn Dược phẩm Hansoh - nhà sản xuất thuốc thần kinh lớn nhất Trung Quốc. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 37% vào ngày thứ Sáu tại Hồng Kông, trong ngày đầu tiên giao dịch.
Theo Bloomberg Billionaires Index, đà tăng của cổ phiếu công ty dược phẩm đã đưa giá trị tài sản ròng của bà Zhong lên cao hơn 4 chị em nhà Mars - những người được thừa hưởng tài sản từ "đế chế" kinh doanh bánh kẹo của gia đình. Hơn nữa, khối tài sản của bà cũng vượt xa Blair Parry-Okeden - người có ông nội đã xây dựng nên tập đoàn truyền thông Cox Enterprises, và vượt cả Christy Walton - vợ người con trai thứ 2 của nhà sáng lập Walmart.
Bà Zhong trong buổi lễ niêm yết của công ty hôm 14/6.
Bà Zhong thậm chí còn giàu hơn chồng mình, là ông Sun Piaoyang - sở hữu khối tài sản 9,4 tỷ USD từ công ty dược phẩm Jiangsu Hengrui Medicine của ông. Công ty của chồng bà Zhong chủ yếu sản xuất thuốc trị ung thư, chứng kiến lợi nhuận từ cổ phiếu tăng khoảng 16.300% kể từ khi IPO tại Thượng Hải gần 2 thập kỷ trước. Tổng giá trị tài sản của cặp vợ chồng này cũng giúp họ trở thành gia đình giàu có nhất trong ngành dược phẩm, theo sau đó là gia đình Sacklers kinh doanh thuốc giảm đau nhóm opioid, và nhà Bertarellis đến từ Thuỵ Sĩ - nắm giữ khối tài sản 16,3 tỷ USD.
Bà Zhong phát biểu trong buổi lễ niêm yết của công ty tại Liên Vân Cảng rằng sự hỗ trợ của chính phủ là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của nhà sản xuất dược phẩm. Chi tiêu dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ ở Trung Quốc đã tăng lên 5,9 nghìn tỷ NDT (852 tỷ USD) vào năm ngoái, trong khi năm 2014 là 3,5 nghìn tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 9,4 nghìn tỷ NDT vào năm 2023, Hansoh cho biết trong bản báo cáo bạch cho IPO. Công ty của bà Zhong đã báo cáo lợi nhuận của năm 2018 đạt 1,9 tỷ NDT, tăng 18% so với năm trước.
Hansoh là công ty nghiên cứu và sản xuất thuốc trong các lĩnh vực như ung thư, tim mạch và tiểu đường. Gần một nửa doanh thu của họ đến từ các phương pháp điều trị ung thư.
Iris Luo, người phát ngôn của Hansoh, từ chối bình luận về thông tin liên quan đến khối tài sản của gia đình bà Zhong.
Zhang Jialin, nhà phân tích tại ICBC International Research, cho biết: "Chúng tôi tin rằng R&D sẽ tập trung vào việc tạo ra thuốc gốc (generic drug) càng sớm càng tốt để tận dụng lợi thế của người dẫn đầu - đây là một chiến lược mà nhiều công ty dược phẩm hàng đầu đã từng áp dụng."
Các nhà đầu tư chủ chốt của Hansoh có quỹ đầu tư chính phủ Singapore, GIC Pte và Hillhouse Capital - quỹ cổ phần tư nhân lớn nhất châu Á - giúp thu hút các nhà đầu tư vào phiên giao dịch đầu tiên của công ty. Thành công trước đó của công ty Hengrui cũng có thể nhà đầu tư thêm an tâm về Hansoh.
Mia He, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết: "Sự hợp tác giữa Hengrui và Hansoh, đặc biệt trong lĩnh vực R&D và phân phối, sẽ giúp Hansoh có lợi thế hơn so với các đối thủ trong ngành."