Thị trường xe máy điện Việt Nam đang có 3 nguồn phân phối chủ yếu, gồm đại lý nhập khẩu tư nhân, thương hiệu nước ngoài phân phối và hàng lắp ráp công ty liên doanh. Dù vậy, đại đa số lượng xe bán ra nhập khẩu nguyên chiếc hoặc sử dụng linh kiện từ Trung Quốc.
Như vậy tính đến nay, mảng xe máy điện tại Việt Nam chưa có một sự đầu tư bài bản nào, cho đến khi có sự xuất hiện của Vinfast.
"Thị trường xe máy điện đang trống, hiện giờ vẫn chỉ bán chủ yếu cho học sinh. Nhiều bên làm giá rẻ, chất lượng kém nên kéo cả thị trường xuống", một Giám đốc bán hàng PEGA nói với Trí Thức Trẻ.
Chính vì điều này, theo ông, đã định hình cho người tiêu dùng về các loại xe điện nói chung là tạm bợ, không phải tài sản, chất lượng kém.
"Nên khi Vinfast gia nhập thị trường, tôi thấy rất vui, vì sẽ tạo lực kéo khiến cả thị trường xe điện đi lên, thậm chí có sức cạnh tranh với xe sử dụng động cơ xăng", ông nói.
Thị trường xe máy tại Việt Nam từ lâu được đánh giá đầy tiềm năng với các hãng sản xuất. Theo ghi nhận, lượng xe máy lưu hành đang lưu hành khoảng 45 triệu chiếc. So sánh với tổng dân số toàn quốc trong độ tuổi lao động từ 15 – 64 tuổi là 55 triệu người cho thấy tỷ lệ người sở hữu xe máy ở Việt Nam hiện đang khá lớn. Dung lượng thị trường này, ước tính trong năm 2018 đạt khoảng 3,3 triệu xe, tăng nhẹ so với năm 2017.
Chính vì thị trường này quá béo bở nên những ông lớn như Honda, Yamaha sau một thời gian dài đầu tư đang ở trong giai đoạn hái quả ngọt.
"Họ không cần đầu tư thêm bất cứ thứ gì cũng đã có thu hoạch. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp này cũng chưa định hướng được các quy định, yêu cầu tại Việt Nam nếu phát triển sang lĩnh vực mới. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất xe máy điện manh mún ở bên ngoài cũng không phải là mối đe doạ với họ", ông Hoàng Hà, cựu Giám đốc Marketing và Bán hàng của một hãng xe máy Nhật Bản nói với Trí Thức Trẻ.
Xe máy điện của Honda đang chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và chỉ một ít xuất khẩu sang Trung Quốc – quốc gia đang có động thái rất quyết liệt khi cấm xe máy, nhằm bảo vệ môi trường.
Xe máy điện của Yamaha cũng rất phát triển ở thị trường hơn 1 tỷ dân này. Một lượng lớn xe máy điện xuất hiện tại Việt Nam có xuất phát từ liên doanh của Yamaha với doanh nghiệp liên kết Trung Quốc.
Những điều này nhằm lý giải cho việc các nhà sản xuất xe lớn này, dù có công nghệ và nhìn ra tiềm năng của thị trường xe máy điện, vốn có những giai đoạn cao điểm bán ra thị trường bằng 10% xe máy, chưa đầu tư vào Việt Nam.
"Khi Vinfast chính thức gia nhập thị trường với vị thế tiên phong, những ông lớn kia không thể không lo lắng được", ông Hà nhận định.
Vinfast Klara được giới chuyên môn nhận định sẽ không chỉ cạnh tranh với các mẫu xe điện khác, nó hướng đến mục tiêu lớn hơn, cạnh tranh với các dòng xe sử dụng động cơ xăng truyền thống. Cụ thể ở đây là xe tay ga.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Hoàng Hà cho biết xe ga đang là xu hướng chung của cả thị trường Việt Nam. Hiện xe tay ga chiếm khoảng 1/2 lượng xe máy lưu thông. "Nhu cầu chuyển sang xe ga rất lớn, theo ướng tính của tôi khoảng 55 – 57% tổng nhu cầu, xe số chỉ khoảng 43%", ông nói và nhận xét Vinfast đã có sự lựa chọn tốt.
Để cạnh tranh với phân khúc này, vốn được định hình quen thuộc với người tiêu dùng, theo ông Vinfast sẽ giải 3 bài toán. Thứ nhất là đào tạo lại thị trường, để khách hàng làm quen dần với khái niệm mới về xe tay ga điện (e-scooter).
"Tạo ra trải nghiệm để khách hàng có ấn tượng về sản phẩm mới là một trong những hoạt động cần thiết", ông cho biết.
Thứ hai là về mức giá. Ông Hà cho rằng mức giá vừa phải để cho khách hàng tiếp cận, trải nghiệm với số đông nhưng cũng phải định vị được thương hiệu có chất lượng, uy tín.
Thứ ba là về kênh phân phối. Vinfast theo đó sẽ phải có sự chuẩn bị nếu các ông lớn như Honda Yamaha cũng gia nhập thị trường xe máy điện. Hiện Hondo có khoảng 800 đại lý chính thức, 200 đại lý cấp 2, tương tự, Yamaha cũng có lần lượt là 480 và 200 đại lý cấp 1, 2.
"Nếu tạo ra được lợi thế ở cả 3 điểm này, khả năng Vinfast sẽ tiếp cận được thị trường xe tay ga", ông Hoàng Hà cho biết.