Tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam và Liên bang Nga là đối tác chiến lược toàn diện. Những năm gần đây, Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó có nông nghiệp.
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất 50 triệu tấn lương thực; sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,5 triệu tấn, 8 triệu tấn cá, 40 - 50 tấn rau quả; nhiều sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu, điều, cao su… thuộc top đầu thế giới (cà phê 2 triệu tấn, tiêu 350.000 tấn, 1 triệu tấn cao su, 20 triệu mét khối gỗ phục vụ chế biến).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Tập đoàn Miratorg có thể thắng lợi kép khi vừa giới thiệu những nông sản Việt sang Nga đồng thời cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm tập đoàn có thế mạnh như thịt lợn, thịt bò.
Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu nông sản tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD; trong đó thị trường lớn như Trung Quốc đạt 11 tỷ USD, Hoa Kỳ khoảng 10 tỷ USD, EU khoảng 6 - 7 tỷ USD…
Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam cũng cần sản lượng lớn lúa mì, đậu tương… phục vụ cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.
"Với thế mạnh có trên 3.000 điểm phân phối, Tập đoàn Miratorg có thể nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cá tra, tôm, cà phê, hồ tiêu… đồng thời cung cấp thịt lợn, thịt gà, lúa mì đậu tương với số lượng lớn cho Việt Nam. Như vậy, Miratorg sẽ thắng lợi kép, cả hai cùng phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Ông Viktor Linnik cho biết, Tập đoàn hiện đang cung cấp 400.000 tấn thịt mỗi năm, sau 2 năm kế hoạch tăng lên 900.000 tấn; thịt bò hiện khoảng 200.000 tấn, 2 năm sau là 350.000 tấn; trong đó có phục vụ cho xuất khẩu.
"Chúng tôi có thể xuất khẩu sang Việt Nam thịt các loại, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bột mì… với số lượng và giá thành cạnh tranh. Với các nông sản khác của Việt Nam, Tập đoàn đã có những đơn hàng về tôm, cá tra để nhập khẩu vào Nga; cà phê, hồ tiêu… sẽ là sản phẩm được Tập đoàn quan tâm trong thời gian tới" - ông Viktor Linnik nói.
Đặc biệt, với việc Trung Quốc đã cấp phép cho Miratorg xuất khẩu thịt lợn sang thị trường này, Tập đoàn sẽ mở tuyến vận tải mới, khi đó, Tập đoàn có thể cung cấp hàng cho Việt Nam trong 18-20 ngày và hy vọng sẽ tăng được sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian tới.
Dự kiến tháng 4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nga. Đoàn công tác sẽ có các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của Nga. Bộ trưởng hy vọng hai bên có thể tiếp tục mở rộng tiềm năng, lợi thế xuất nhập khẩu của hai nước.
Miratorg là tập đoàn sản xuất thịt lợn lớn của Nga với năng lực sản xuất lên đến 400.000 tấn/năm, quy trình hoàn toàn khép kín. Ảnh: miratorg.ru.
Ông Viktor Linnik cho biết, Tập đoàn cũng đang tích cực chuẩn bị đón tiếp đoàn công tác của Bộ trưởng và sẽ giới thiệu với Bộ trưởng về những vùng sản xuất thịt lợn, bò… của Tập đoàn.
Hiện, Miratorg đã được cấp giấy chứng nhận cho việc cung cấp thịt gia cầm, thịt bò vào Việt Nam và đang xin phép xuất khẩu thịt lợn dưới tên Bryansk (công ty con của Tập đoàn).
Ngày 28/10-2/11/2019, Cục Thú y đã cử đoàn công tác sang làm việc với cơ quan Liên bang Nga về giám sát thú y và Kiểm dịch động thực vật. Trong chuyến đi, Cục đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Miratorg.
Đối với chăn nuôi và chế biến thịt lợn, Tập đoàn có 93 cơ sở trên toàn nước Nga. Các trang trại chăn nuôi đều theo mô hình chuỗi khép kín từ giống, thức ăn và chế biến thịt.
Theo Cục Thú y, các cơ sở giết mổ của Tập đoàn có điều kiện vệ sinh rất tốt, áp dụng công nghệ chế biến chăn nuôi hiện đại, công suất giết mổ 520 con/giờ, đạt an toàn sinh học cấp 4 theo tiêu chuẩn nước Nga (cấp gần cao nhất). Theo đó, từng con được đánh số trên thân thịt để đảm bảo truy xuất nguồn gốc đến tận trang trại chăn nuôi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ tạo mọi điều kiện để Miratorg có thể cung cấp nông sản, nhất là các loại thịt lợn, thịt bò cho Việt Nam và nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam cung cấp cho thị trường Nga. "Cần xúc tiến đẩy nhanh việc này, vì thị trường đang rất tiềm năng" - Bộ trưởng nói.
Hiện Việt Nam và Nga đã ký 7 văn kiện hợp tác liên quan đến lĩnh vực thú y, kiểm dịch và bảo vệ thực vật, nông nghiệp, quản lý chất lượng nông sản, kiểm soát an toàn thực phẩm các thủy sản xuất nhập khẩu và hợp tác nghề cá.
Giá trị thương mại nông sản 2 nước trước năm 2018 chỉ vào khoảng 500 triệu USD/năm. Năm 2018, đạt đỉnh lên tới khoảng 1,35 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 418 triệu USD và nhập khẩu 932 triệu USD.
Tuy nhiên, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt nông sản hai bên mới được khoảng 900 triệu USD (xuất khẩu từ Việt Nam gần bằng nhập khẩu), giảm so với năm 2018. Nguyên nhân là giảm mạnh giá trị kim ngạch các sản phẩm lúa mỳ, phân bón từ Nga sang Việt Nam và các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su từ Việt Nam sang Nga.
Các sản phẩm chính Việt Nam xuất khẩu sang Nga gồm: cà phê, thủy sản, rau quả, hạt tiêu, chè, hạt điều và gỗ cùng các sản phẩm gỗ.
Các sản phẩm chính Nga xuất khẩu sang Việt Nam gồm: thủy sản, lúa mỳ, thịt sữa và cao su. Đối với các sản phẩm thịt (gà, bò, lợn, gia cầm), tính đến nay, đã có 19 doanh nghiệp của Liên bang Nga được chấp thuận xuất khẩu thịt vào Việt Nam.