Phát biểu tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tốc độ tái đàn lợn đang rất cao, tuy nhiên dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa. Chính vì thế, ngày 9/3, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12 về tăng cường các giải pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương chỉ đạo tăng đàn, tái đàn lợn nhưng không được chủ quan về phòng chống dịch bệnh.
"Hiện chúng ta còn 109.000 con lợn ông bà, cụ kị, 2,7 triệu lợn nái, như vậy không thiếu giống để tái đàn. Năng lực sản xuất thức ăn của Việt Nam đã tới 21 triệu tấn, chuồng trại còn nguyên. Bộ NN&PTNT cũng đã tổng kết các mô hình an toàn sinh học để nhân rộng sản xuất ở các địa phương, doanh nghiệp, gia trại… từ tháng 7/2019. Với những yếu tố đó, tôi yêu cầu các tỉnh tập trung cho việc tái đàn, không do dự nữa"
Do thịt lợn hiện chiếm trên 72% trong tổng lượng thịt, ảnh hưởng lớn tới chỉ số giá tiêu dùng nên Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp lớn tập trung giảm giá thịt lợn xung quanh 70.000 đồng/kg.
"Nếu chúng ta không làm được việc này thì chắc chắn Chính phủ sẽ cho tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, thậm chí từ Lào và Campuchia".
Theo ông Tiến, nếu chúng ta mở cửa thị trường mà nay mai phải khép lại để nâng giá lên như có thời kỳ từng phải giải cứu thì rất là khó. Chính vì thế, ông đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt 17 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn tập trung giảm giá thịt lợn về mức hợp lý để chăn nuôi phát triển bền vững.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay cả nước có 98,7% số xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày, trong đó có 39 tỉnh, thành phố đã hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 9/3, dịch bệnh không phát sinh thêm tại địa phương mới, số lợn tiêu hủy là 1.218 con.
Dự kiến hết tháng 3, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy dưới 4.000 con, giảm 46% so với tháng 2/2020. Nhiều địa phương đã công bố hết dịch, người dân và doanh nghiệp đang đầu tư tái đàn lợn, khôi phục sản xuất ở những nơi đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.
"Hiện có 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng đàn 4 triệu con" – ông Đông nói.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y của các tỉnh, thành phố, đến ngày 10/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Về đàn gia cầm, chưa bao giờ Việt Nam có quy mô đàn gia cầm lớn như hiện nay, với gần 500 triệu con. Dù vậy, để giảm bớt rủi ro, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm, cụ thể thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8) tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) đánh giá: "Lĩnh vực chăn nuôi trong năm 2020 sẽ có bức tranh sáng, là cứu cánh cho ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp đủ thịt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dự kiến, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019".
Cụ thể, trong năm 2020, sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97% so với năm 2019; thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11,0%; thịt trâu đạt 98,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; thịt bò ước đạt 365,3 nghìn tấn, tăng 4,6%; sữa đạt 1,15 triệu tấn, tăng 11,4%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6%.