Trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc Quảng Ngãi triển khai trồng giống tỏi voi Nhật Bản ở huyện đảo Lý Sơn, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm này Cục Trồng trọt vẫn chưa nhận được báo cáo gì từ tỉnh Quảng Ngãi xung quanh việc trồ giống tỏi voi Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn.
Cục Trồng trọt cho rằng Quảng Ngãi tự quyết trồng tỏi Nhật ở Lý Sơn. Ảnh IT.
Ông Định cho rằng, các công ty doanh nghiệp làm việc với tỉnh Quảng Ngãi để xúc tiến đầu tư là chuyện rất bình thường. Tỏi thuộc giống rau đã có trong danh mục được phép trồng, tỉnh Quảng Ngãi không cần xin phép Bộ NN&PTNT khi quyết định trồng giống tỏi này. Việc cấp phép cho doanh nghiệp vào trồng tỏi voi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Trồng trọt, về nguyên tắc, với giống nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, khi nhập khẩu về bắt buộc phải qua cơ quan kiểm dịch. Ở đây, với giống tỏi voi, cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ trực tiếp lấy mẫu để kiểm soát dịch hại. Thậm chí, trong trường hợp có mầm bệnh rủi ro dịch hại, cơ quan kiểm dịch sẽ đánh giá rủi ro dịch hại để kiểm soát.
Cũng có luồng thông tin lo ngại việc trồng tỏi voi Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tới đặc sản tỏi Lý Sơn, lấn át tỏi địa phương, về vấn đề này ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: “Trách nhiệm lưu giữ giống cây trồng đặc sản vùng miền là trách nhiệm chung theo Luật Đa dạng sinh học. UBND tỉnh Quảng Ngãi phải có quy định chi tiết về việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển giống tỏi Lý Sơn".
Về việc trồng tỏi voi Nhật Bản ở Lý Sơn, ông Phạm Bá – phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Hiện nay UBND tỉnh chưa có chủ trương đồng ý cho doanh nghiệp trồng tỏi voi. Nếu tỉnh giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có ý kiến về vấn đề này thì Chi cục cũng sẽ nói rõ quan điểm là không đồng ý.
Bởi vì nếu xét về hiệu quả kinh tế, trồng tỏi voi không phải là cao, vì theo như Công ty TNHH CAN Holdings cho biết nếu trồng tỏi voi ở Việt Nam xuất khuất khẩu sang Nhật Bản sẽ có giá 180.000 đồng/kg, còn giá tỏi Lý Sơn bán trong nước dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tỏi voi của Nhật Bản nếu xuất khẩu sẽ có giá cao hơn giá tỏi Lý Sơn bán trong nước, tuy nhiên thời gian trồng tỏi voi mất 8 tháng/vụ, còn trồng tỏi Lý Sơn chỉ mất 4 tháng là thu hoạch" - ông Bá nói.
Cũng theo ông Bá, xét về thời vụ, cả hai loại tỏi này đều chỉ có thể trồng 1 vụ/năm, tuy nhiên với việc trồng tỏi Lý Sơn, người dân nơi đây còn 8 tháng để trồng xen 3-4 vụ hành và do đó sẽ có thêm nguồn thu nhập từ trồng hành.
"Hiện nay UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng như Sở NN&PTNT Quảng Ngãi chưa có ý kiến gì về chủ trương này, các bên chỉ mới ngồi làm việc và ghi nhận ý kiến, sau đó chúng tôi đưa công ty đó đi thực tế vùng trồng tỏi ở Lý Sơn. Quảng Ngãi chưa trồng tỏi voi nên không biết hiệu quả như thế nào, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu có thực sự phù hợp không. Nếu UBND tỉnh đồng ý trồng thì phải sau 8 tháng trồng, đến lúc thu hoạch mới có thể đánh giá được là phù hợp hay không” – ông Bá cho biết thêm.
Trước đó, 2 công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và CAN Holdings (Nhật Bản) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi và giới thiệu sản phẩm tỏi voi của Nhật với mong muốn đưa giống tỏi voi Nhật vào trồng tại đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). VIệc này đã đặt ra nhiều vấn đề trái chiều xoay quanh sự phát triển, cạnh tranh đối với tỏi Lý Sơn. Đại diện Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering cho biết, tỏi voi là giống tỏi có năng suất, chất lượng, sản lượng đạt 4,5 tấn/ha, ở Nhật giá tỏi tương đương khoảng 180.000 VNĐ/kg và được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Công ty này mong rằng sẽ được mang giống tỏi voi sang trồng trên đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản. |