Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi lễ trao tặng bò và sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo ở Tuyên Quang vào sáng 17.12.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn và ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã trao tặng 20 con bò giống và sổ tiết kiệm, với giá trị mỗi sổ tiền kiệm 10 triệu đồng cho 20 hộ nghèo của xã Thái Bình, huyện Yên Sơn….
Được biết, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là nơi đặt di tích lịch sử quốc gia của Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ NNPTNT ngày nay. Đây cũng là xã điểm được Bộ lựa chọn xây dựng NTM của ngành. Đến nay, xã Thái Bình có 1.106 hộ, với 4.530 khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,5%. Sau quá trình triển khai xây dựng NTM đến nay, Thái Bình đã đạt 14 trên tổng số 19 tiêu chí NTM.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT trao tặng sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn bày tỏ sự cảm ơn chính quyền địa phương, bà con nhân dân các dân tộc xã Thái Bình nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung đã đóng góp công sức bảo quản, gìn giữ để phát huy giá trị di tích lịch sử truyền thống cách mạng của ngành.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT và tỉnh Tuyên Quang trao tặng bò giống cho các hộ nghèo tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, di tích trên là công trình mang ý nghĩa văn hóa - lịch sử, có tính chất giáo dục truyền thống sâu sắc, nơi ghi nhận những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, của cán bộ, đảng viên, nhân viên Bộ Canh nông nói riêng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của ngành nông nghiệp.
Bà con Thái Bình phấn khởi dắt bò giống về gia đình để chăm sóc.
"Việc trao bò giống và số tiết kiệm cho các hộ nghèo ở Thái Bình là món quà tri ân người dân Thái Bình, chúng tôi mong muốn cùng chung tay góp sức nhỏ với bà con, chính quyền địa phương để chúng ta về đích nhanh hơn chương trình xây dựng NTM" - ông Tuấn khẳng định.
"Chúng ta đều mong muốn mỗi người, mỗi gia đình ngày càng có cuộc sống ấm no. Chúng tôi nghĩ rằng với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo chắc chắn bà con sản xuất thoát nghèo, vươn lên trở thành khá giả" - ông Tuấn nói.
Các con bò giống được trao tặng lần này đều có chất lượng tốt và đã được kiểm dịch."Được nhận bò giống gia đình tôi cảm động lắm, đây thực sự là món quà quý giá giúp gia đình tôi vườn lên thoát nghèo và làm giàu" - ông Lê Công Phực, một hộ dân ở thôn Tân Lập, xã Thái Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, món quà gồm bò và sổ tiết kiệm mà Bộ NNPTNT trao tặng cho bà con Thái Bình thực sự là món quà rất có ỹ nghĩa thiết thực với các hộ nghèo nơi đây. Mong rằng, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ NNPTNT, các nhà hảo tâm giúp đỡ tiếp tục đưa xã Thái Bình phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng sớm đưa xã đạt chuẩn NTM.
"Chúng tôi cam kết sẽ bố trí nguồn lực từ ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ, lồng ghép với các chương trình của Bộ NNPTNT thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng NTM tại Thái Bình nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung" - ông Giang khẳng định.
Cũng trong buổi sáng ngày 17.12, lãnh đạo Bộ NNPTNT và lãnh đạo huyện, tỉnh Tuyên Quang đã đến thắp hương tri ân tại di tích lịch sử quốc gia của Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ NNPTNT ngày nay ở thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).
Là một trong số những hộ nghèo được trao tặng bò giống đợt này, ông Trần Văn Thân ở thôn Vinh Quang, xã Thái Bình tỏ ra rất phấn khởi khi được tận tay lãnh đạo Bộ NNPTNT trao tặng con bò giống to khỏe. Ông Thân cho hay: Nằm trong diện hộ nghèo đã 5 năm nay nên hôm nay tôi rất phấn khởi khi nhận được tặng bò giống. Đối với gia đình đây là món quà rất có giá trị. Chúng tôi hứa khi nhận bò về gia đình sẽ chăm sóc thật tốt để vươn lên thoát nghèo, đảm bảo đời sống sau này.
Di tích lịch sử quốc gia của Bộ Canh nông là công trình mang ý nghĩa văn hóa - lịch sử, có tính chất giáo dục truyền thống sâu sắc, nơi ghi nhận những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung, của cán bộ, đảng viên, nhân viên Bộ Canh nông nói riêng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của ngành nông nghiệp.