Sau thanh long, dưa hấu, hành tím rớt giá thảm hại, là heo hơi dư thừa. Để bây giờ, lại đến lượt hoa ly, dưa chuột, bắp cải, su hào, hành tím, củ cải, hạt tiêu phải bán với giá rẻ như cho, thậm chí có những nơi người nông dân buộc phải đổ bỏ rau củ xuống sông.
Tại Nghệ An và Quảng Nam, nông dân bỏ mặc ruộng rau không thèm thu hoạch. Bởi, su hào rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/củ, hành hoa 3.000 - 4.000 đồng/kg, cải bắp hay rau cải các loại 1.000 đồng/kg...
Thê thảm hơn là củ cải trắng ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. Giá bán tại cánh đồng chỉ 500 đồng/kg mà vẫn không tìm nổi khách hàng để bán. Nếu như những năm trước, người dân xã Tráng Việt hồ hởi chất củ cải lên xe để chở đi bán thì năm nay, cả vài ngàn tấn được chở đi đổ bỏ xuống sông cho sạch ruộng, lấy đất gieo trồng vụ mới.
Hay tại Quảng Nam, nông dân cũng lao đao khi giá rau củ quả giảm mạnh. Nếu trước Tết, mướp đắng 35.000 - 70.000 đồng/kg, đậu cô-ve 20.000 - 30.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg,... thì từ sau Tết đến giờ, đậu cô-ve, mướp đắng chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, dưa chuột 500 -1.000 đồng/kg.
Được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra,... là vòng luẩn quẩn mà nông dân Việt Nam bao nhiều năm nay gặp phải, không thoát được ra.
Lý giải về việc rau xanh giảm giá đột biến, ông Trần Xuân Định - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thông thường sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân sẽ thu hoạch hàng loạt rau, màu vụ đông để lấy đất cấy lúa xuân. Do vậy, nguồn cung rau sẽ tăng đột biến.
Bên cạnh đó, thời tiết năm nay nồm ẩm, mưa xuân đúng độ, rất thuận lợi cho các loại rau phát triển, nhiệt độ ấm, rau muống, mùng tơi, rau cần… sinh trưởng, phát triển nhanh.
Mặt khác, bà con nông dân tập trung trồng rau để phục vụ tết nhưng lượng rau tiêu thụ trong dịp tết không nhiều, hoặc rau cho thu hoạch không đúng thời điểm khiến ra giêng lượng rau ra thị trường tăng cao khiến nguồn cung vượt cầu.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã gửi công văn hỏa tốc đến Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp yêu cầu khẩn trương, tiếp tục kiểm tra thông tin báo chí phản ánh, đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là công tác chỉ đạo sản xuất gắn với chế biến và phát triển thị trường các mặt hàng rau, củ…
Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản báo cáo tình hình với Bộ trưởng trước ngày 19/3.
Trước đó, trao đổi với VnEconomy về điệp khúc buồn của nông sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tình trạng nông sản của chúng ta mất giá là việc thực sự không mong muốn, phát sinh từ chuyện chúng ta chuyển sang cơ chế sản xuất theo thị trường.
Việt Nam có hơn 16 triệu hộ sản xuất ở nông thôn, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, nên việc định hướng quy hoạch cũng khó khăn. Người nông dân không thể nắm bắt ngay tín hiệu thị trường, bởi vậy, Nhà nước phải có dự báo, quy hoạch với sản xuất của người dân.
Tuy vậy, có nhiều trường hợp Nhà nước đã có khuyến cáo, nhưng cứ được giá mặt hàng nào thì bà con lại tập trung sản xuất mặt hàng đó, dẫn đến cung vượt cầu.
"Người nông dân, chủ yếu vẫn quen sản xuất theo lối truyền thống. Khi thấy mặt hàng nào có lợi nhuận cao thì lại tập trung vào mặt hàng đó, thậm chí nhiều nơi có khuyến cáo nhưng không nghe, vẫn cố gắng sản xuất", Thứ trưởng Tuấn nói.