Áp lực khói bụi thành thị, những deadline dầy đặc trong công việc cộng hưởng cùng tác động của dịch bệnh và chính sách giãn cách, làn sóng bỏ phố về rừng ngày càng gia tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Mua một mảnh đất lớn ở ngoại ô, làm căn nhà nhỏ để nghỉ dưỡng cuối tuần xưa nay vốn chỉ được ví như thú vui của giới nhà giàu hay những người đã bước tới độ tuổi nghỉ hưu, muốn tận hưởng cuộc sống an nhàn. Thì nay, rất nhiều gia đình trẻ, ngay cả những người độc thân cũng "chuộng" xu hướng bỏ phố về rừng.
Với họ, đó là cách để cân bằng lại cuộc sống, tìm lại ý nghĩa của cuộc sống khi được trải mình vào thiên nhiên, buông bỏ sự xô bồ của phố thị. Thế nhưng, dù làn sóng bỏ phố về rừng đang ngày càng trẻ hóa và thu hút đông đảo nhiều người dân thành thị gia nhập thì thực tế không thể phủ nhận: "Phải có tiền mới thực hiện hóa được giấc mơ này".
Hai năm trước, khi mới chỉ 27 tuổi, chị Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội) cùng chồng đã dựng một farmstay tại Quốc Oai (Hà Nội). Trải nghiệm cuộc sống ở núi rừng, đến hiện tại, chị khẳng định, đam mê và yêu thích thôi thì chưa đủ. Muốn bỏ phố về rừng thì buộc phải có tiền. Chị Ngọc Anh cho biết, tổng chi phí mua đất, xây nhà, trồng cây và di chuyển đi lại cho quãng đường từ trung tâm Hà Nội về Quốc Oai cộng với khoản chi phí ăn uống, tụ tập bạn bè trong vòng 2 năm qua lên tới 5 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ)
Chị Ngọc Anh cho rằng: "Nếu muốn bỏ phố về quê thì có thể không cần một khoản tiền lớn ngay lập tức nhưng muốn thực hiện được kế hoạch về rừng làm farmstay thì không có 1-2 tỷ tiền mặt không thể làm được.
Chị Ngọc Anh đưa ra một bài toán chi phí cụ thể cho một kế hoạch làm farmstay. "Đầu tiên là phải mua đất. Đất ở khu vực như ngoại ô Hà Nội hay các tỉnh như Hòa Bình, Yên Bái dù rẻ nhưng người ta chủ yếu bán hàng trăm m2. Giá rẻ nhất là những mảnh đất 400-600m2 ở vùng sâu tại Hòa Bình có mức giá từ 400-500 triệu đồng. Còn ở các khu vực như Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn (Hà Nội), muốn bỏ phố về rừng phải xác định có trong tay tầm 1 tỷ đồng mới mua được đất.
Thứ hai là chi phí xây nhà, trồng cây ăn quả, rau, nuôi con vật. Không ai có thể ở farmstay để nghỉ dưỡng mà thiếu đi trang thiết bị sinh hoạt cơ bản nhất. Một căn nhà nhỏ với tiện ích đầy đủ cơ bản cũng rơi vào từ 200-300 triệu đồng. Chi phí trồng cây ăn quả, làm vườn cũng mất đến 100 triệu đồng.
Thứ ba là chi phí di chuyển đi lại từ Hà Nội về farmstay. Nếu đi xe bus hay xe máy thì bạn có thể tiết kiệm chi phí. Nhưng với gia đình từ 3-5 thành viên thì tâm lý đi nghỉ dưỡng sẽ thuê taxi. Chi phí taxi mỗi lần đi lại cũng mất 1 triệu. Còn xác định để nghỉ dưỡng thường xuyên, bạn lại phải có ô tô. Một chiếc ô tô rẻ nhất để đi lại ổn định cũng phải 200 triệu đồng, chưa kể chi phí nuôi ô tô hàng tháng. Chỉ tính sơ sơ như vậy để biết rằng, để có farmstay, bạn buộc phải có ít nhất tiền tỷ".
Chung quan điểm đó, chị Trần Minh (Hà Nội) cũng cho rằng: "Ở cơ quan tôi, nhiều anh chị bỏ phố về rừng mua đất làm farmstay đều thuộc nhóm những người giàu nhất, nhì cơ quan. Họ đa phần phải có ít nhất 1-2 cái nhà Hà Nội, có ô tô, có thu nhập 40-100 triệu hàng tháng. Họ còn có khoản tiết kiệm tiền tỷ".
Cũng theo chị Minh, đối với người trẻ mới ra trường hay một đôi vợ chồng trẻ mới lập gia đình từ quê lên Hà Nội, để mua một căn nhà định cư đã không phải dễ dàng, chưa kể là chi phí duy trì cuộc sống. Thế nên, với nhóm trẻ tuổi còn chưa mua nổi nhà Hà Nội hoặc đang chật vật trả lãi vay hàng tháng cho căn nhà đầu tiên, thực sự để mua đất làm farmstay mới chỉ xuất hiện trong giấc mơ và sự ao ước. Thực tế, khi đủ ăn, đủ tiêu người ta mới nghĩ tới nghỉ dưỡng nhiều.
Liên quan đến trào lưu bỏ việc thành thị về rừng là farmstay sống an yên, chị Minh thắng thắng nói, đa phần những người bỏ phố về rừng làm farmstay chủ yếu là nghỉ dưỡng. Thế nên, họ lựa chọn công việc tự do về thời gian nhưng vẫn đáp ứng nguồn thu nhập tốt. Hoặc họ vẫn buộc duy trì công việc hiện có mới đảm bảo được khoản tiền chi phí hàng tháng, tất nhiên là trừ trường hợp đã quá nhiều tiền thì họ xác định chỉ nghỉ dưỡng.
"Tôi không tin vào câu chuyện, lương vài chục, nhưng chấp nhận nghỉ việc về rừng chỉ để sống hòa mình vào thiên nhiên. Để làm trang trại kiếm được tiền nhờ hoa trái không hề dễ dàng vì ngay cả nông dân chuyên chính cũng còn vất vả, nhất là thời điểm dịch bệnh như hiện tại. Nhưng nếu họ xác định bỏ việc để về rừng xây homestay kinh doanh thì đó lại là một định hướng công việc, kiếm tiền khác", chị Minh cho hay.