Sinh tuổi Quý Hợi 1983, anh nông dân Lê Mạnh Cường (khu 6 xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) xuất phát điểm từ một gia đình thuần nông.
Có lẽ vì thế, ngay từ bé, Cường đã đam mê nghề nông, mùi rơm rạ, mùi cây cỏ đã hun đúc cho anh ước mơ được làm giàu trên chính đồng đất quê mình.
"Khi đó, gia đình tôi rất khó khăn. Bản thân tôi vừa học, vừa là lao động chính trong nhà. Sau này, chính niềm đam mê làm nông nghiệp đã thôi thúc tôi khởi nghiệp từ kinh tế nông nghiệp", anh Lê Mạnh Cường chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh cho biết: "Với người trẻ khi bắt tay làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp quy mô lớn sẽ vấp phải không ít khó khăn bởi vừa thiếu vốn, vừa thiếu kinh nghiệm và thiếu cả sự hỗ trợ".
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học , anh Cường được tuyển dụng làm giảng viên của Trường Cao đẳng giao thông vận tải Trung ương I. Với bản tính chịu khó từ nhỏ, ngoài công việc của một giảng viên, anh Cường làm thêm kỹ thuật cho các công ty xây dựng với mong muốn tích cóp tiền để mua đất, đầu tư làm nông nghiệp.
Sau 3 năm làm giảng viên và đi làm thêm, anh Cường đã dành dụm được một khoản tiền để mua 2ha đất nông nghiệp tại xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đến năm 2011, khi về huyện Thanh Thủy, thấy nguồn đất đồi rừng ở đây rất dồi dào, anh nông dân đã nảy ra ý tưởng mua lại các diện tích đất đồi cằn cỗi để xây dựng mô hình trang trại nông nghiệp.
Với quyết tâm và nỗ lực của bản thân, năm 2015, anh Cường đã mua được 18,6ha đất rừng của xã Trung Nghĩa (nay là xã Đồng Trung) với số tiền 2,3 tỷ đồng để bắt tay đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng vào tháng 2/2016.
Không chỉ trồng cây ăn quả, làm nhà lưới trồng hoa, trồng rau an toàn, anh Cường còn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín với quy mô lên tới 600 nái; cải tạo vùng trũng thành ao nuôi thả cá.
Cuối năm 2019, anh Cường được chính quyền địa phương, đoàn thể vào cuộc bàn giải pháp hỗ trợ, giải cứu mổ, bán thịt lợn thương phẩm vào các bếp ăn khu công nghiệp trên địa bàn...
Đồng thời, trong lúc khó khăn nhất về thức ăn chăn nuôi , anh Cường quyết dốc sạch tiền mua một chiếc máy chế biến cám cho lợn. Nhờ đó, giảm được áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi mỗi ngày rất nhiều.
Anh Cường cũng kể rằng, giữa bão dịch, bão giá, hàng chục hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại khởi nghiệp cùng thời điểm của anh thua lỗ phải bán tháo đàn nuôi. Một lần nữa anh táo bạo vượt khó, mượn tất cả sổ đỏ của người thân cắm vay ngân hàng, quyết mua lợn nuôi của các chủ trại bán tháo.
"Mua lại giá rẻ lắm, chỉ 50.000 đồng/con lợn giống (bình thường 2 triệu đồng/con); lợn nái mua 5 triệu đồng/con (bình thường khoảng 20 triệu đồng/con)… Chỉ vài tháng sau, tôi đã xuất bán lợn thịt, bán lợn con do lợn nái đẻ ra thu về lãi khủng, trả hết nợ; trong khi tất cả lợn nái mua rẻ trước đó đều bước vào thời kỳ sinh sản tốt", anh Cường nói.
Từ năm 2020 đến nay, trang trại tổng hợp của anh Cường đi vào hoạt động ổn định. Mỗi năm, trang trại cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá, rau, quả sạch; hơn 16.000 con lợn giống, xuất chuồng hàng nghìn con lợn thương phẩm.
Bên cạnh đó, anh Cường mỗi năm còn nuôi 2.000 con ba ba gai mang lại doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Hơn 5ha đất trồng các loại hoa bốn mùa; cây cảnh, cây lấy gỗ bắt đầu có thể xuất bán làm cây cảnh cho các dự án xây dựng khu đô thị, resort…
Một điểm nhấn rất đặc biệt trong trang trại tổng hợp của anh Cường hiện nay là khu vườn hơn 20.000 cây chà là nhập ngoại từ nước ngoài đang phát triển sinh trưởng xanh tốt, vừa tạo không gian cảnh đẹp bắt mắt, đến mùa thu hoạch quả ăn, vừa tách cây con từ cây mẹ (giâm cành) bán cây giống đem lại nguồn thu nhập cao.
Doanh thu từ trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học của anh Cường mỗi năm đạt hơn 40 tỷ, trừ chi phí, đút túi lãi hơn 5 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Cường cho biết, anh đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng trang trại của mình theo hướng phát triển dự án nông nghiệp du lịch trải nghiệm, sinh thái.
Theo lời anh Cường, Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam. Riêng huyện Thanh Thủy, bên cạnh thế mạnh có nguồn nước khoáng nóng quý hiếm, hiện còn lưu giữ được những giá trị văn hóa độc đáo, những lễ hội đặc trưng, gắn chặt với những tín ngưỡng nguyên thủy như lễ hội bơi chải làng Đoan Hạ, hội rước kiệu đền Lăng Sương, lễ kéo lửa nấu cơm thi, hội rước voi Đào Xá, lễ cướp cây bông ở đình La Phù...
Anh Cường cũng tươi cười cho biết thêm, vào tháng 2 vừa qua, huyện Thanh Thủy đã phê duyệt đề án "Nông nghiệp tổng hợp, kết hợp du lịch trải nghiệm" của anh thực hiện ở xã Đồng Trung. Đây là động lực lớn giúp anh phát triển trang trại thành dự án sản xuất nông nghiệp sinh thái có quy mô, chuyên nghiệp.
Anh đang nỗ lực tham gia những chương trình tập huấn hướng dẫn, đào tạo về làm du lịch sinh thái để có thể sẵn sàng đón tiếp du khách.
Bên cạnh đó, anh Cường đang khẩn trương hoàn thiện thiết kế xây dựng hạ tầng dự án mang đậm bản sắc dân tộc địa phương với ngôi nhà sàn người Mường, rừng cọ, đồi chè; xây dựng khu dịch vụ ẩm thực đậm đà món ăn ngon của vùng Đất Tổ, của quê hương Thanh Thủy…
"Mong mỏi lớn nhất trong tôi lúc này là sớm tổ chức được thật nhiều đoàn khách đến với dự án du lịch nông nghiệp ở xã Đồng Trung, đến với Thanh Thủy, góp sức nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh một Phú Thọ tươi đẹp, phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc", anh Cường chia sẻ.
Đặc biệt, năm 2022, anh Cường được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2024, anh Cường vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".