Ái nữ nhà Bầu Đức có tên tuổi gắn liên với một doanh nghiệp nổi danh trên nhiều lĩnh vực trong hàng thập kỷ qua và giờ xuất hiện sau nhiều năm doanh nhân phố núi gặp khó khăn trong kinh doanh.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), con gái ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) - bà Đoàn Hoàng Anh - đã hoàn tất mua vào 4 triệu cổ phiếu HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Giao dịch thực hiện qua phương thức khớp lệnh trên sàn từ 11-20/8/2021.
Với mức giá khoảng 5.000-5.500 đồng, ước tính bà Hoàng Anh chi khoảng trên 20 tỷ đồng (tương đương gần 1 triệu USD) cho thương vụ nói trên. Trước đó, bà Hoàng Anh chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HAG nào tại Hoàng Anh Gia Lai.
Ông Đoàn Nguyên Đức đang sở hữu gần 320 triệu cổ phần HAG, tương đương 34,5% vốn.
Bầu Đức vừa trải qua một thập kỷ lao đao với khối tài sản sụt giảm, vị thế chìm dần. Từng lọt top người giàu nhất trên sàn chứng khoán (trong hai năm 2008-2009, với tài sản tương ứng 6.200 tỷ và 11,4 nghìn tỷ đồng), Bầu Đức đã ra khỏi top 80, với tổng tài sản chỉ còn hơn 1.600 tỷ đồng, bằng chưa tới 1% so với người đứng đầu và khoảng 1/25 người đứng ở vị trí thứ hai.
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức gần đây đẩy mạnh việc tái cơ cấu và rút dần khỏi đế chế nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) mà ông tâm huyết xây dựng trong cả thập kỷ qua.
Con gái Bầu Đức lần đầu mua cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai |
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai gần đây bán ra một lượng lớn cổ phiếu HNG và giảm tỷ lệ nhóm cổ đông HAG tại HNG xuống còn 16,34% và còn giảm xuống 11,43%. Trong năm 2020 và đầu 2021, HAG đã bán hàng trăm triệu cổ phiếu HNG.
Đây là hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp của Bầu Đức nhằm thanh toán các khoản nợ tại ngân hàng. Sau gần một thập kỷ, đại gia phố núi chứng kiến tập đoàn con cưng đi xuống sau những thăng hoa thập kỷ trước đó.
Trong nhiều năm qua, HAGL của Bầu Đức ở trong tình trạng nợ nần chồng chất và ghi nhận lỗ lớn. Hồi cuối tháng 2/2021, HAG bất ngờ ghi nhận khoản lỗ lũy kế 5.000 tỷ đồng từ “quá khứ hiện về” sau khi báo cáo hồi tố khoản lỗ 5.000 tỷ đồng do tăng dự phòng các khoản phải thu khó đòi, khiến vốn chủ sở hữu bị mất đi 1/3.
Tính tới cuối quý II/2021, HAG ghi nhận hơn 7.500 tỷ đồng lỗ lũy kế, tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu năm. Nếu sử dụng toàn bố số thặng dư gần 3.300 tỷ đồng thì lỗ lũy kế của HAGL sẽ giảm xuống còn chưa tới 4.300 tỷ đồng.
Thương vụ mua 4 triệu cổ phiếu HAG của bà Đoàn Hoàng Anh ghi nhận lần đầu tiên con gái Bầu Đức tham gia vào Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh đó, gần đây giới đầu tư cũng biết đến một start-up mang tên tuổi của Bầu Đức do con gái của doanh nhân này lèo lái.
Chuỗi cà phê này thành lập cuối 2019, với vốn 100 tỷ đồng. Bà Đoàn Hoàng Anh là người đứng tên góp vốn thành lập, tỷ lệ nắm giữ 24,5%.
Chỉ số VN-Index tiếp tục giảm mạnh sáng 23/8. |
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nối tiếng trong nhiều lĩnh vực, từ gỗ, bất động sản, thủy điện, cao su, mía đường, bò, trái cây và giờ đây chuyển qua nuôi lợn.
Phần lớn các tài sản doanh nghiệp của Bầu Đức ở mảng kinh doanh gần nhất là nông nghiệp được bán cho Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương sau khi Hoàng Anh Gia Lai và Thaco hợp tác chiến lược từ giữa năm 2018. Sau 10 năm chuyển từ bất động sản sang nhiều lĩnh vực rồi chốt lại ở nông nghiệp, Bầu Đức vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 23/8
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 18,08 điểm (-1,36%) lên 1.311,35 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 282 mã giảm và 25 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,27%) xuống 337,15 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 124 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,34 điểm (-1,45%) xuống 91,36 điểm.
Thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục ảm đạm với sắc đỏ bao trùm ngay từ đầu phiên. Trong nhóm VN30, hàng loạt các cổ phiếu vốn hoá lớn lao dốc như BCM giảm 4%, PDR giảm 3%, PNJ giảm 2,3%...
Nhóm ngân hàng cũng đang giảm giá trên diện rộng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Các mã giảm điểm như VIB, ACB, LPB, MBB, VCB... đều chìm trong sắc đỏ. VIB giảm 2,6%, MBB giảm 2,2%, ACB giảm 2,4%.
Nhiều mã lớn đầu ngành xây dựng và bất động sản, sản xuất, công nghệ thông tin, bán buôn… như VIC, VRE, HPG, MSN, VNM, SAB, FPT, MWG cũng đang điều chỉnh nhẹ.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt bứt phá, trong đó, TCI, DCS, BMS, WSS, SHS, VIG, CTS, APG, AGR... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, BSI tăng 8,4%, HCM tăng 2,1%, VCI tăng 1,9%, SSI tăng 1%.
Theo BSC, VN-Index tiếp tục giằng co tại vùng đỉnh 1.370-1.380 điểm trong 4/5 phiên giao dịch nhưng điều chỉnh mạnh vào cuối phiên cuối tuần do thông tin siết chặt giãn cách xã hội tại TP.HCM. Dòng tiền đầu tư thoát khói thị trường khi chỉ có 4/19 ngành tăng điểm với 168 cổ phiếu tăng và 202 cổ phiếu giảm. Thanh khoản thị trường tăng cao đột biến và đạt hơn 38.000 tỷ đồng vào phiên cuối tuần thể hiện rõ tâm lý bán tháo sau 1 tháng hồi phục.
Với xu hướng như vậy, VN-Index sẽ kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.320 điểm vào tuần mới. Nếu thành công, VN-Index sẽ duy trì xu hướng vận động trong vùng 1.320-1.350 điểm. Nếu không, thị trường có thể điều chỉnh xuống ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm.
Chốt phiên chiều 20/8, chỉ số VN-Index giảm 45,42 điểm xuống 1.329,43 điểm. HNX-Index giảm 8,01 điểm xuống 338,06 điểm. Upcom-Index giảm 2,01 điểm xuống 92,7 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 47,7 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, thấp hơn một chút so với phiên liền trước. Riêng sàn HOSE đạt hơn 38,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà