Đó là quan điểm của luật sư Lê Văn Hà (Công ty Luật Pathlaw) tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Hội thảo được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 20/2.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng vấn đề quan trọng thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa luật này là mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này, ông Lộc nhấn mạnh.
Bản chất hộ kinh doanh là doanh nghiệp, trong các nền kinh tế thì không ai bỏ khu vực này ra khỏi luật. Các hộ kinh doanh là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là doanh nghiệp thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Với quan điểm cần có khung khổ pháp lý chắc chắn cho khu vực hộ kinh doanh cá thể, ông Lộc tha thiết đề nghị ban soạn thảo hãy thể hiện tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn nói trên cho hàng triệu hộ kinh doanh, một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, ông Vũ Đại Thắng, trong phát biểu ngay sau đó đồng tình đề xuất mà theo ông là hoàn toàn xác đáng của Chủ tịch VCCI. Chúng tôi sẽ tiếp thu và cân nhắc báo cáo cơ quan có thẩm quyền, ông Thắng hồi âm.
Đối tượng điều chỉnh của luật doanh nghiệp khi sửa luật cũng là vấn đề được quan tâm tại hội thảo.
Bất cập cần sửa của Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo luật sư Hà thể hiện ngay ở khái niệm doanh nghiệp và đối tượng điều chỉnh.
Cụ thể, điều 1 "luật quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, quy định về nhóm công ty".
Tuy vậy, điều 212 khoản 2 lại quy định "hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Bản thân Nghị định 78 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp cũng căn cứ vào Luật Doanh nghiệp để hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh. Điều 212 cũng "buộc" hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp.
Như vậy, xét về đối tượng điều chỉnh, Luật Doanh nghiệp không điều chỉnh hoạt động của đối tượng hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, vị luật sư bình luận.
Nhận xét từ ông Hà là quy định như luật hiện hành là không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp. Nội dung của luật quy định về tổ chức, hoạt động của những đối tượng nằm ngoài phạm vi đối tượng điều chỉnh của chính bản thân luật đó. Quan niệm "doanh nghiệp" không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp. Cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hà phân tích, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm).
Theo luật sư Hà, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan. Ngay cả các nước phát triển cũng vẫn duy trì loại hình doanh nghiệp "sole proprietorship" với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Ví dụ cơ quan SBA của chính phủ Hoa Kỳ chuyên về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ dưới dạng "sole proprietorship". Trong khi đó hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.
Ông Hà nhấn mạnh rằng, hộ gia đình đăng ký kinh doanh là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, FTA và CPTPP, đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ, dịch vụ...
Kiến nghị của luật sư Hà là cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh. Bổ sung một chương trong luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh.
Ông Hà cũng cho rằng cần bỏ quy định có tính chất cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp tại điều 212 luật hiện hành.