Vào năm 2015 khi thị trường BĐS mới bước vào giai đoạn phục hồi sau thời gian khó khăn do khủng hoảng kéo dài, với số tiền tích cóp được khoảng 600 triệu đồng, chị H có ý định đi tìm mua đất "thử đầu tư", hoặc cứ để đó sau này về làm nhà vườn ở.
Vốn là người ăn chay trường, với số tiền tích cóp được (gửi ngân hàng trước đó) cùng với thu nhập hàng tháng gần 30 triệu đồng, chị H suy nghĩ, gửi ngân hàng lãi suất cũng chẳng được bao nhiêu (khoảng 7%/năm), chưa kể lạm phát hàng năm ở ngưỡng 3%. Do đó, chị H lân la tìm hiểu về BĐS để đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên chị đầu tư BĐS.
Theo chị H, lúc đó thị trường chưa có hiện tượng mua bán sôi động do còn ảnh hưởng bởi đợt bong bóng BĐS từ năm 2010. Lúc này, khá ít người quan tâm đến BĐS vì tâm lý "e dè", vì thế, giá BĐS ở một số khu vực còn khá mềm, trong khi nguồn cung bán ra dồi dào, nhất là ở các tỉnh ven Sài Gòn.
Sau khi xem xét một số khu vực tại Tp.HCM, với số tiền ít ỏi, chị H đi theo một người bạn xuống tìm hiểu miếng đất tại Q.9 với giá hơn 700 triệu đồng/nền 50m2. Sau khi đi xem, chị H khá ưng ý miếng đất nhưng lại nghĩ, bản thân chỉ có 600 triệu, nếu mua miếng đất này thì phải bù thêm 100 triệu đồng nữa, cũng khó xoay sở, chị H lại không muốn đi vay mượn hay phiền hà tiền nong với ai.
Hơn nữa, trong tâm trí chị H, do là người ăn chay trường nên muốn có mảnh đất rộng rãi để đó, nếu được sau này có thể về cất cái nhà, mảnh vườn trồng cây ăn trái, sống cuộc sống yên tĩnh.
Nghĩ thế, chị H lên mạng tìm hiểu về đất đai, chị xem và thấy có mảnh đấy ở xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) với diện tích 10.000m2, đang được môi giới rao bán giá 650 triệu đồng.
Vào cuối tuần, chị tranh thủ xuống coi miếng đất theo lời giới thiệu của một môi giới khu vực này. Đây cũng là lần đầu tiên chị đến khu vực Nhơn Trạch để xem đất đai.
"Điều làm tôi khá bất ngờ là khoảng cách từ Q.7 đến Nhơn Trạch khá gần, không hề xa xôi như mình nghĩ trước đó. Chỉ cần đi theo cầu Phú Mỹ, qua phà là đến chỗ mảnh đất mà môi giới giới thiệu", chị H kể lại.
Ngoài ra, một điều nữa cũng khiến NĐT mới này bất ngờ là lô đất 10.000m2 ở vị trí không thể ngờ, xung quanh là 3 mặt giáp sông nước, muốn đi vào đất chỉ có duy nhất một cách là đi ghe – đi đò ở các bãi, xung quanh dường như không có người sinh sống. Khu dân cư ở rất xa vị trí miếng đất.
"Lúc đó, tôi hụt hẫng lắm. Tôi tiếp tục nói sales dẫn đi xem các miếng đất khác có vị trí thuận lợi hơn. Thế nhưng, các lô khác hầu hết giá dao động từ 900 triệu đến 1.2 tỉ đồng/mảnh. Cuối cùng tôi quyết định mảnh đất ban đầu vì tài chính trong tay có 600 triệu, và nói bạn sales báo với người bán đất giảm 50 triệu đồng cho tròn 600 triệu đồng/mảnh bằng với số tiền hiện có. Lúc đó, đặt cọc xong rồi, tôi vẫn không hiểu sao mình lại quyết định mua miếng đất ấy, vốn không có chút tiềm năng nào về vị trí đi lại. Kiểu bỏ tiền vào, tặc lưỡi cho xong ấy", chị H cười kể lại.
Theo chị H, do thị trường trầm lắng nên chủ đất đồng ý bán mảnh đất 10.000 m2 đó với giá 600 triệu đồng, bao giấy tờ, sang tên. Một thời gian, sau khi mua xong, chị H nhờ sales phát quang cây cối và mua 500 gốc dừa trồng trải dài trên mảnh đất. Hàng năm, chị H ghé thăm đất và có thời gian rảnh là phát quang cây cối cho dừa mọc tươi tốt.
Sau đó một năm, vào năm 2016, khi thị trường BĐS có dấu hiệu ấm lên. Có một số người trả giá miếng đất chênh khoảng vài trăm triệu đồng nhưng chị H nghĩ cũng chưa cần tiền nên cứ để đó, khi nào dân về đông sẽ có đường vào mảnh đất, làm vườn cây ăn quả cũng hay. Vì thế, chị H quyết định không bán.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, khi cơn sốt Nhơn Trạch lên cao thì mảnh đất bỗng tăng vọt giá. Chị H cho biết, lúc đó có NĐT trả giá mảnh đất của tôi đến 8 tỉ đồng, rồi có người trả 9 -10 tỉ đồng. "Tôi khá choáng váng, vì bản thân không bao giờ nghĩ rằng mảnh đất đi bằng ghe xuồng vào, xung quanh là sông nước lại có giá đến vậy", chị H chia sẻ.
Chị H cho biết, lúc đó tôi "khoe" với mấy người bạn nhưng dường như ai cũng hoài nghi về thông tin mình nói. Mọi người cũng đều khuyên nếu được giá cứ bán đi. Với số tiền đó ở Tp.HCM thiếu gì chỗ để mua nhà đất. Nghe theo bạn, sau đó khoảng 1 tháng có người khách ở Hà Nội trả giá mảnh đất đó 11.5 tỉ đồng, chị H quyết định bán ra, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người bạn.
"Tính ra, tôi khá may mắn trong đầu tư BĐS. Nếu trước đó chọn mảnh đất 50m2 tại Q.9 thì đến thời điểm đó chỉ bán được khoảng 2 tỉ đồng", chị H bộc bạch.
Sau khi cầm số tiền lớn từ việc đầu tư mảnh đất đầu tiên, chị H đã xây dựng lại căn nhà ở Q.7, và dành phần lớn số tiền còn lại để tái đầu tư vào BĐS ở một số khu vực, trong đó có Nhơn Trạch. Hiện chị H là NĐT khá thành thạo trên thị trường BĐS, đang có một số BĐS dự tính sẽ bán vào các năm sau khi thị trường ổn định trở lại.
Theo kinh nghiệm đầu tư của chị H, với số vốn ít, là tiền nhàn rỗi nếu việc cân nhắc giữa các kênh thì BĐS về lâu dài vẫn là kênh "đẻ ra tiền" ổn định. Thậm chí, sinh ra tiền một cách bất ngờ mà đôi lúc NĐT không hay biết.
"Đầu tư BĐS giống như kiểu "bỏ đó và quên đi" thì chắc chắn sau một thời gian quay lại giá của nó sẽ khác. Dĩ nhiên, đó là với những NĐT có vốn nhàn rỗi, không dùng đòn bẩy tài chính thì chắc chắn việc đem lại lợi nhuận về trung – dài hạn là rất tốt", chị H khẳng định.