Các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với nhiều lợi thế từ thiên nhiên, không khí trong lành, mát mẻ, địa hình đồi núi trùng điệp. Hơn nữa, với lợi thế đa dạng về phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, trong mấy năm gần đây giao thông tại các vùng này được chú trọng đầu tư nên rất thuận lợi di chuyển, đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về du lịch.
Theo đó, tận dụng vào nhiều lợi thế trên, các mô hình kinh doanh homestay, farmstay mọc lên như nấm và nhanh chóng trở thành “gà đẻ trứng vàng” trong mắt nhà đầu tư. Nhiều người không cần suy nghĩ xuống tiền cả vài chục tỷ đồng đầu tư.
Tuy nhiên, trải qua 4 đợt dịch liên tục vắng khách nhưng chi phí vận hành vẫn lên tới vài chục triệu đồng/tháng. Đến nay khi đủ thấm đòn từ dịch bệnh và nợ nần khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy.
Khảo sát tại một số trang tin bất động sản xuất hiện nhiều homestay, farmstay đang được rao bán vài chục tỷ đồng, kèm theo đó là lời quảng cáo “giá cắt lỗ chỉ có trong mùa dịch”.
Đơn cử, một homestay tại Tà Phìn (Sapa, Lào Cai), có diện tích 1000m2, với 11 phòng từ trung cấp tới cao cấp, được hoàn thiện bằng các loại gỗ quý, đang được rao bán với mức giá 19 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ nhà còn khẳng định chắc nịch: “nếu không phải vì dịch, thì có tiền chưa chắc mua được, vì trước khi dịch bùng phát homestay tại Sapa làm ăn rất tốt”.
Theo anh Trần Văn Việt (sinh sống tại Hà Nội) cho biết, năm 2019 vì nghĩ rằng kinh doanh homestay sẽ có lợi nhuận cao nên gia đình anh đã chi hơn 7 tỷ đồng để mua 3.000m2 đất tại Mộc Châu (Sơn La) để xây dựng farmstay. Sau khi mua bán hoàn tất, anh tiếp tục chi thêm 5,5 tỷ đồng để cải tạo đất, trồng cây, xây dựng 10 phòng cho thuê nghỉ dưỡng và mua sắm trang thiết bị phục vụ.
Theo anh Việt tính toán, nếu tình hình kinh doanh thuận lợi thì nhanh nhất trong 4 năm sẽ thu hồi được vốn. Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi đi vào hoạt động chưa đầy 3 tháng thì đến đầu năm 2020 dịch bệnh bùng phát, khiến nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng bị nén lại.
“Ban đầu tôi cứ nghĩ chỉ cần mua đất xây dựng lên là kinh doanh thu tiền. Nhưng chưa được bao lâu thì dịch bệnh tới. Mặc dù sử dụng chưa nhiều và liên tục vắng khách nhưng tiền nhân viên, chăm sóc và thay mới cây cối, phí vận hành vẫn mất 40 triệu đồng/tháng. Chưa kể, tổng chi phí đầu tư ban đầu là 12,5 tỷ đồng thì trong đó có hơn 5 tỷ đồng là tôi đi vay, hàng tháng tôi vẫn phải trả lãi đều”, anh Việt than thở.
Dịch bệnh khiến nhiều nhà đầu tư ồ ạt bán homestay, farmstay.
Do tình hình dịch vẫn có thể kéo dài thêm, cũng có phần lo lắng về việc dịch sẽ bất ngờ quay trở lại nên cuối tháng 8/2021 vừa qua gia đình anh Việt đành rao bán farmstay với mức giá tròn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay đã gần 2 tháng trôi qua nhưng vẫn không có ai tới hỏi mua.
“Thực tế bây giờ khách mua ở Hà Nội cũng không thể đi xem được, do việc di chuyển vẫn còn khó khăn. Với số vốn 12,5 tỷ đồng ban đầu cộng thêm chi phí duy trì trong suốt thời gian trước đó khoảng 800 triệu đồng, tổng là tôi đã bỏ vào đó 13,2 tỷ đồng. Bây giờ bán được với giá 10 tỷ là tôi mất 3,2 tỷ đồng trong gần 2 năm đầu tư rồi”, anh Việt thất vọng nói.
Theo anh Phí Minh Hiếu - nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng lâu năm cho biết, thực tế việc kinh doanh khách sạn hay homestay phức tạp hơn việc chỉ mua đất nền chờ có lãi rồi bán rất nhiều. Bởi lẽ, đã kinh doanh dịch vụ sẽ phải chịu khoản chi phí vận hành rất với từ việc cải tạo, nâng cấp, lương nhân viên,...
“Mấy năm nay, vùng núi phía Tây Bắc thu hút được đông đảo khách du lịch từ trong vào ngoài nước. Do đó, có tiềm năng phát triển du lịch nên mấy năm gần đây giá đất tại khu vực miền núi phía Bắc liên tục có sự biến động. Nếu chỉ mua đất để đầu tư có lãi rồi bán thì không vấn đề. Nhưng đã chi vài tỷ đồng để xây dựng homestay, farmstay thì không hề đơn giản như mọi người vẫn nhìn vào. Tình hình kinh doanh không ổn định nhưng vẫn chịu chi phí vận hành lớn dẫn tới việc không chịu được áp lực buộc sẽ phải rao bán cắt lỗ”,anh Hiếu nói.
anh Hiếu cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng đâu là “miếng bánh” ngọt nên đã mạnh dạn chi từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Nhưng thực tế, khi không có tiềm năng kinh tế vững chắc mà phải sử dụng đòn bẩy tài chính, trong khi dịch bệnh, vắng khách vẫn kéo dài thì nhà đầu tư rất dễ rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư này cũng nhấn mạnh: “Số tiền để đầu tư homestay, farmstay rất lớn. Hơn nữa, thời gian thu hồi vốn cũng rất lâu, nếu tình hình kinh doanh tốt thì nhanh nhất là 3 năm, không thì có thể kéo dài tới 5 - 7 năm”.