Sau phản ánh của Báo Người Tiêu Dùng, ông Thêm đã được Thế Giới Di Động giải quyết khiếu nại. (Ảnh: Quang Bình). |
Báo Người Tiêu Dùng số ra ngày 23/3 đã phản ánh khiếu nại của ông Nguyễn Văn Thêm (66 tuổi, Q.7, TP.HCM). Theo đó, cuối năm 2017, ông đã được tư vấn và mua một chiếc điện thoại hiệu OBi với giá hơn 3 triệu đồng tại cửa hàng TGDĐ số 179 đường Tôn Đản, Q.4.
Thế Giới Di Động và nỗ lực “chữa cháy”
Chỉ sau 1 tháng sử dụng thì cục sạc điện thoại bị gãy, khoảng 2 tháng sau đó, điện thoại ông Thêm không may bị rơi, nứt màn hình. Ngày 26/2, ông mang điện thoại đến cửa hàng TGDĐ (số 136 Nguyễn Thái Học, Q. 1) để thực hiện dịch vụ sửa chữa, thay mới màn hình. Nhưng sau 2 tuần giữ máy của khách, TGDĐ từ chối thực hiện mọi dịch vụ với lý do không có linh kiện để thay thế, dù sản phẩm vẫn trong thời gian bảo hành. Mặc dù ông đã cố gắng thảo luận với TGDĐ về trách nhiệm của nhà cung cấp hàng hóa đối với dịch vụ bảo hành, sửa chữa, linh kiện thay thế... phải bảo đảm, ít nhất là trong thời gian bảo hành nhưng không có kết quả.
Không đành lòng vứt đi chiếc điện thoại chỉ sau ít tháng dùng chỉ vì nhà sản xuất không có linh kiện (linh kiện chính) để thay thế, mặt khác nghi ngờ TGDĐ bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, ông Thêm đã khiếu nại đến bộ phận bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) tại TP.HCM thì được hướng dẫn đến Báo Người Tiêu Dùng nhờ can thiệp.
Đúng là, sau khi Báo Người Tiêu Dùng phản ánh và thông tin tới TGDĐ về vụ việc thì doanh nghiệp này mới đưa ra phương án giải quyết cho khách hàng.
Theo đó, TGDĐ gợi ý hoàn lại cho khách hàng 2 triệu đồng và khách hàng phải bù thêm 1 triệu đồng để mua lại một chiếc máy tính bảng Samsung đã qua sử dụng tại chính cửa hàng của TGDĐ. Sau thời gian khiếu nại mệt mỏi và cũng cần có máy để sử dụng, ông Thêm đã đồng ý.
Còn đại diện TGDĐ cho hay, doanh nghiệp này không chối bỏ trách nhiệm, chỉ là trong quá trình phục vụ không tránh khỏi những thiếu sót.
Một cửa hàng Thế Giới Di Động. (Ảnh minh họa). |
Có thực TGDĐ bán hàng không rõ nguồn gốc?
Khi chưa kịp vui vì TGDĐ đã có hướng “chữa cháy” với khách hàng trên thì chúng tôi lại nhận thêm đơn khiếu nại của bà Yến Lan (Q.Bình Tân, TP.HCM). Theo đó, bà Lan mới mua một điện thoại Samsung Galaxy S9+ gần 25 triệu đồng theo hình thức trả góp tại cửa hàng TGDĐ trong AEON Mall Bình Tân. Khách hàng trả trước hơn 7 triệu đồng, phần còn lại trả chậm trong 6 tháng.
Khiếu nại của chị Lan cho rằng, TGDĐ không chịu xuất hóa đơn mua hàng cho khách. “Khi tôi yêu cầu xuất hóa đơn thì nhân viên ở đây kêu là mua trả góp thì không xuất hóa đơn… Điều đó thật vô lý, tôi đã thanh toán một phần tiền, phần còn lại đơn vị tín dụng cho tôi vay, có nghĩa họ sẽ chi trả phần đó cho TGDĐ, còn tôi có trách nhiệm trả lại cho bên tín dụng hàng tháng bao gồm khoản vay gốc và lãi. Vậy lý do gì TGDĐ không xuất hóa đơn cho tôi?” - bà Lan hoài nghi
Từ chối xuất hóa đơn mà không đưa ra được bất kỳ lý do nào, bà Lan nghi ngờ TGDĐ hoặc bán hàng không rõ nguồn gốc, hoặc cố tình “né” thuế. “Chuyện TGDĐ có né thuế hay không, thực ra tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ lo, hàng đã mua không có hóa đơn sau này có bất cứ vấn đề gì liên quan đến chất lượng, bảo hành, khiếu nại hay quyền sở hữu... thì tôi chứng minh bằng cách nào? Chưa kể nếu đúng hàng không có hóa đơn là do nguồn gốc không rõ ràng thì liệu chất lượng có bảo đảm?” - bà Lan cho biết.
Chưa hết, chị Thanh Nga (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng cho hay, chị mua một chiếc máy tính xách tay thương hiệu Dell, có bản quyền phần mềm, tại cửa hàng Điện Máy Xanh (cũng thuộc TGDĐ). Tuy nhiên, khi sử dụng, chị phát hiện máy liên tục báo lỗi phần mềm Window, liên tục tự động cập nhật Window, gần như không thể nào sử dụng được.
Mang máy đến cửa hàng Điện Máy Xanh để kỹ thuật kiểm tra thì được kỹ thuật viên giải thích là do hệ điều hành Window 10 nó như thế, chỉ cần tắt chức năng tự động cập nhật đi là xong. Nhưng, theo chị Thanh Nga, máy vẫn bị lỗi như cũ, không sử dụng được, buộc chị phải gửi sang một cửa hàng máy tính khác để kiểm tra và sửa chữa.
La Giang - Quang Bình