Đây là năm thứ 5 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. Báo cáo cung cấp cho người dân những thông tin, số liệu cơ bản nhất về các căn cứ vĩ mô cơ bản xây dựng dự toán, mục tiêu, nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2019, cũng như dự toán thu chi ngân sách, cân đối ngân sách, cơ cấu các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.
Ngoài ra, báo cáo còn cung cấp thêm các thông tin về kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019-2021 và giải pháp triển khai thực hiện.
Theo báo cáo, dự toán thu ngân sách năm là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương 23% GDP. Trong số trên, thu nội địa chiếm 83,2% với khoảng 1,173 triệu tỷ đồng. Còn lại, hai khoản thu lớn khác, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu, lần lượt là 44.600 tỷ đồng và 189.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thu từ thuế bảo vệ môi trường năm sau dự tính chiếm 4,9% tổng thu, tức là khoảng hơn 69.000 tỷ đồng. Con số này tăng đáng kể so với con số trong dự toán năm nay (khoảng hơn 49.000 tỷ đồng).
Về dự toán chi, theo báo cáo là khoảng trên 1,633 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 63,8% tổng thu, còn lại là chi đầu tư (26,3%), chi trả nợ lãi và viện trợ (7,7%) và dự phòng (2,1%).
Bội chi ngân sách dự kiến năm sau là 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, thấp hơn mức dự kiến năm nay (tỷ lệ bội chi dự kiến năm nay là 3,67% GDP).
Việc công khai báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm cũng được coi là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam
Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định, quy định của Luật Ngân sách nhà nước không yêu cầu phải xây dựng báo cáo này, tuy nhiên với nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc công khai minh bạch ngân sách theo chuẩn mực quốc tế thì Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân từ năm ngân sách 2015.
“Chúng tôi đã thực hiện việc công bố này được 5 năm và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đồng thời khuyến khích các địa phương triển khai thực hiện công bố báo cáo ngân sách dành cho công dân. Đây là thông lệ tốt để người dân tại các địa phương có thể thông qua đó nắm được thông tin cơ bản về ngân sách của từng địa phương, và cũng có thể đóng góp tiếng nói thông qua Hội đồng nhân dân khi quyết định ngân sách địa phương mình”, ông Hưng cho biết thêm.