Bộ Tài chính cho biết, Luật số 42 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/11/2019 để sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và một số vấn đề của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về cơ bản, Luật số 42 đã bổ sung các nội dung chính sách quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và quản lý, giám sát đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.
Thủ tướng cũng đã ban hành danh mục và phân công Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật số 42 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo đó, Bộ Tài chính soạn thảo Nghị định để sửa đổi, bổ sung 3 Nghị định bao gồm: Nghị định 73 quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định 98 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số và Nghị định 48 ngày 21/3/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 98P quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.
Dự thảo Nghị định bổ sung một điều vào Nghị định số 73 để quy định về điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức tương ứng với mỗi loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cụ thể:
Đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm, dự thảo quy định trình độ văn bằng, chứng chỉ tương đương với trình độ của cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập là có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.
Đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm, dự thảo quy định là có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành quản trị rủi ro hoặc có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.
Đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm, trình độ văn bằng là từ đại học trở lên và điều kiện về chứng chỉ, tiêu chuẩn thực hiện, theo hướng điều kiện về chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm trong tổ chức tương đương chuyên gia tính toán (Appointed Actuary) của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe và cao hơn tiêu chuẩn của chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Mức phạt lên đến 60-70 triệu đồng
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48) để cụ thể hóa các hành vi và chế tài áp dụng đối với từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, cụ thể:
Bổ sung quy định các hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, theo đó mức xử phạt được quy định áp dụng đối với cá nhân, mức xử phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền cá nhân đối với cùng hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm được bổ sung bao gồm:
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi: Không tuân theo quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; vi phạm về các trách nhiệm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi chưa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được lập thành văn bản.
Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đúng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được phép cung cấp; thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật; tổ chức không có tư cách pháp nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ tư vấn bảo hiểm có thời hạn và đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thời hạn, được quy định áp dụng đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.