Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm nước. Như vậy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên và quá nửa doanh nghiệp FDI đang thua lỗ.
Trong đó, các nhóm ngành sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm hai năm liền có số doanh nghiệp FDI lỗ trước và sau thuế tăng.
Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2019, có 14.822 doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, chiếm 66% doanh nghiệp báo cáo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỷ đồng. Số doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 doanh nghiệp, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.
Đến cuối năm 2019 có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 22.603 doanh nghiệp có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích. Doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp FDI theo báo cáo đạt hơn 7,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 720 nghìn tỷ so với năm kế trước.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của doanh nghiệp FDI đạt khoảng 387.000 tỷ đồng, tăng hơn 29.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI trong năm 2019 khoảng 324.400 tỷ đồng, tăng 19.500 tỷ đồng, so với năm 2018.
Trong năm 2019, có 9.494 doanh nghiệp FDI báo lãi, chiếm tỉ lệ 45% số doanh nghiệp có báo cáo. Giá trị lãi của các doanh nghiệp FDI được ghi nhận khoảng 518.500 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước. Nhóm ngành đầu tư FDI có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh là sản xuất, phân phối, kinh doanh điện tăng 96,1%, dịch vụ khác tăng 211,8%.
6 địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước là TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
Theo báo cáo, nếu xét theo vùng lãnh thổ thì nhóm doanh nghiệp FDI đến từ châu Âu có khả năng sinh lời cao nhất; nhóm doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, British VirginIsland có mức sinh lời hợp lý. Còn Hong Kong, Trung Quốc lại có khả năng sinh lời thấp.