VCCI đã kiến nghị việc đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến giá thép xây dựng tăng cao, đồng thời rà soát, đánh giá toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh mới.
Giải đáp vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, mức thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu, tài nguyên ở dạng thô đang được áp ở mức cao. Còn các sản phẩm có mức độ chế biến cao hơn sẽ có mức thuế giảm dần, nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến và khuyến khích chế tạo trong nước.
Do đó, đối với nhóm nguyên liệu thô để sản xuất thép (quặng, thép phế liệu), thuế xuất khẩu đang ở mức trần (40% đối với quặng, 15 – 17% đối với phế liệu). Nhưng với mặt hàng phôi thép, đây là bán thành phẩm được sản xuất từ quặng và thép phế liệu nên mức thuế suất thuế xuất khẩu đang được quy định là 0%.
Về vấn đề giá phôi thép liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, theo Bộ Công thương và Hiệp hội Thép, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao. Trong khi, sản xuất phôi thép trong nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt và thép phế liệu. Hiện nay, trên 90% quặng để sản xuất phôi trong nước đến từ nguồn nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cho biết thêm, sản xuất phôi thép trong nước ta đang dư thừa công suất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất phôi thép, do dư thừa công năng, sẽ làm tăng hàng tồn kho. Từ đó, việc tăng giá thuế xuất khẩu phôi thép sẽ không là phương án tối ưu nhằm đạt mục tiêu giảm giá thép thành phẩm trong nước.
Hiện tại, dựa trên các kiến nghị, báo cáo của Bộ Công thương, VCCI, Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp sản xuất thép, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát để đưa ra mức thuế suất phù hợp đối với mặt hàng phôi thép.
Còn những thắc mắc về việc gia hạn thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết, tổng số đơn đề nghị gia hạn Bộ đã nhận là 139.032, trong đó đơn do doanh nghiệp, tổ chức gửi chiếm 119.557, còn lại cá nhân là 19.475 đơn.
Bộ Tài chính thông tin, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn ước đạt 72.744 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT trong quý 1, quý 2/2021 và tháng 7/2021 của doanh nghiệp, tổ chức là 40.652 tỷ đồng. Tạm nộp thuế TNDN quý 1, quý 2/2021 của doanh nghiệp, tổ chức ước đạt 29.550 tỷ đồng, gần bằng 40% số thuế TNDN phát sinh phải nộp theo quyết toán thuế TNDN năm 2020. Ngoài ra, thuế GTGT, thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh cũng được gia hạn gần 301 tỷ đồng.