Trong văn bản trả lời một số vấn đề được dư luận, báo chí quan tâm mới đây, về vấn đề xoay quanh bình đẳng trong chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết:
Theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân thì có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế với các mức thuế suất và cách tính thuế khác nhau, trong đó, duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến từng phần (các mức thuế từ 5%-35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần.
Đối với hoạt động kinh doanh áp dụng theo biểu thuế toàn phần chi tiết theo từng lĩnh vực ngành nghề, trong đó ngành nghề kinh doanh cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số) chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, thuế thu nhập cá nhân 2% (tổng hai loại thuế là 7%).
Nếu so sánh mức thuế của cá nhân kinh doanh (7%) với mức thuế bậc cao nhất của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (35%) là không phù hợp, bởi vì khoảng 90% cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công chỉ ở mức bậc 1 và bậc 2 (5%-10%).
Ngoài ra, mức thuế suất toàn phần đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân cần phải tương đồng với mức thuế suất của doanh nghiệp có cùng loại hình kinh doanh là phù hợp, không thể so sánh với thu nhập từ tiền lương, tiền công để áp dụng biểu luỹ tiến. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế thu nhập cá nhân.
Trước đó, báo chí có phản ánh thông tin, một cá nhân có hộ khẩu tại Cầu Giấy viết phần mềm đăng tải trên Google Play và App Store có tổng thu nhập tới 330 tỷ đồng trong năm 2020 và nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Mức nộp thuế này tương đương với thuế suất 7% - mức thuế suất áp dụng với hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề dịch vụ, bao gồm 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN.
Nếu tính theo thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương, thuế suất trung bình mà một người có tổng thu nhập 1 tỷ đồng từ lương trong 1 năm vào khoảng hơn 20%. Phần thu nhập trên 1 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế suất tới 35%. Trong trường hợp của cô gái này, nếu làm công ăn lương, số thuế tính toán vào khoảng 115 tỷ đồng.