Tại kỳ họp báo Chính phủ chiều tối 1/8, báo chí đã đặt câu hỏi về kết quả rà soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết tính đến 24/6, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,5% GDP, tăng 19,2% so với cuối 2018.
7 tháng đầu năm 2019 tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 31.000 tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp của năm 2018, trong đó doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.
Theo thông tin của Bộ Tài chính, lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm cao hơn so với năm 2018, lý do là mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10%.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành bất động sản cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của ngành xây dựng cũng phổ biến mức 10%. Đối với mức lãi suất như vậy so với lãi suất ngân hàng, thời gian qua, với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV dao động trong khoảng từ 6,8-7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn khoảng 8-8,7%. Như vậy việc phát hành trái phiếu trong 7 tháng qua dao động ở mức 10-12%.
"Qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp", đại diện Bộ Tài chính cho hay.