Sáng 20/2, bé gái 3 tháng tuổi nhiễm virus corona người Vĩnh Phúc đã được xuất viện sau khi 2 lần xét nghiệm Covid-19 mẫu bệnh phẩm của bé đều âm tính. Bé là bệnh nhân thứ 15 trong số 16 ca dương tính với Covid-19 tại Việt Nam cũng là người thứ 15 được tuyên bố khỏi bệnh.
Tính từ thời điểm xuất hiện ca bệnh gần nhất (13/2) đến thời điểm hiện tại (chiều 20/2) Việt Nam không xuất hiện thêm ca bệnh mới.
Các chuyên gia y tế khẳng định đối với việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh, nhưng Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin chữa khỏi bệnh bằng các phương pháp điều trị khác. Nếu có ca nhiễm mới thì chúng ta đủ năng lực khoanh vùng, chữa khỏi bệnh.
Dịch bệnh diễn ra tác động tiêu cực đến các lĩnh vực như du lịch , hàng không, dệt may, điện tử, nông thuỷ sản… trong đó du lịch là ngành chịu tác động mạnh do lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng như du lịch nội địa cũng bị hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh.
Theo ước tính của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung tại hội nghị do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 6/2 cho thấy, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD do virus corona gây ra.
Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, khách du lịch sẽ giảm 90 - 100%, tương ứng giảm từ 1,7 - 1,9 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8 - 2 tỷ USD.
Với các thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm 50 - 70%, tương ứng lượng khách giảm từ 2 - 2,8 triệu lượt, với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2 - 2,3 tỷ USD.
Đối phó với dịch bệnh các địa phương, các doanh nghiệp đều đưa ra phương án, một mặt phòng chống dịch mặt khác khai thác hiệu quả các nguồn khách, phát triển các dịch vụ nhằm tăng nguồn thu trong kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Trường Giang, Quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp mới đây cho biết, Bộ Tài chính đang thực hiện rà soát, nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa…. để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nêu ra các biện pháp giúp du lịch Việt Nam phục hồi do dịch virus corona gây ra trong đó kiến nghị miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định nhất là Vương quốc Anh, châu Âu, Úc, New Zealand và Canada. Chính sách miễn thị thực này bước đầu có thể cho giai đoạn đầu 12 tháng.
Bên cạnh đó, giảm ngay thuế GTGT du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng không bị phạt. Việc nộp thuế chậm có thể áp dụng đối với các khoản thuế GTGT của Q4, 2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cho năm 2019.
Xem xét miễn các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi dịch virus kết thúc…