Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Tổng cục Môi trường gây khó khăn cho "Nhà máy sản xuất vải áo sơmi cao cấp Việt Nam" tại Khu công nghiệp Sông Công II tại Họp báo Chính phủ ngày 4/5/2019, ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: "Khi khu công nghiệp đề xuất hồ sơ đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập đoàn kiểm tra. Tại thời điểm đó, khu công nghiệp Sông Công II chưa triển khai các công trình hạ tầng và công trình đảm bảo xử lý nước thải và xử lý tác động môi trường cho khu không nghiệp".
Sau đó, công ty sản xuất vải Interweave Holding Limited của Hong Kong trong quy trình sản xuất có xả ra 14 nghìn mét khối nước thải một ngày đêm. Trước đây trong dự án này, khu công nghiệp thải nước ra một con suối nhỏ rồi mới xả ra sông Công, nhưng sau này chủ dự án lại đề xuất xả thẳng ra sông.
Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơmi cao cấp Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Công II có công đoạn nhuộm, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao và có khối lượng nước thải lớn. Khu vực xả thải ra sông Công, rồi chảy ra sông Cầu - nơi cấp nguồn nước chính cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho người dân khu vực thành phố Sông Công và lân cận.
Hội đồng xét duyệt đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xem xét nhưng không thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty này. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hết sức nghiêm túc chủ trường của Chính phủ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư để phát triển kinh tế xã hội.
Tổng cục Môi trường quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt”.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Hiệp hội Dệt may cũng đặt câu hỏi với Bộ Tài nguyên và Môi trường: phải chăng tiêu chuẩn nước thải về công nghiệp dệt may của chúng ta là quá nghiêm khắc?
Ông Lê Công Thành chia sẻ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời ngay tại hội nghị, bất cứ một tiêu chuẩn môi trường nào cũng đều phải đảm bảo được các yếu tố tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo về môi trường. Tuy nhiên với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, nước thải từ công nghiệp dệt may được kiểm soát bằng 14 chỉ tiêu, ở Ấn Độ được kiểm soát bằng 12 chỉ tiêu. Ở Việt Nam, sau khi xem xét rất kỹ lưỡng với căn cứ khoa học thực tiễn, chúng ta quy định kiểm soát bằng 10 chỉ tiêu, để đảm bảo cân đối hài hòa mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường.