Tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước Quý I/2021 với các đối tượng quản lý (Tổ chức, Hội/Hiệp hội, Doanh nghiệp) của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số bài toán lớn để các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành quan tâm tìm ra giải pháp.
Bài toán đầu tiên mà Bộ trưởng đưa ra là xây dựng mạng xã hội thế hệ mới: từ mô hình tập trung dữ liệu sang phân tán, tiến tới người sử dụng làm chủ dữ liệu của mình thay vì tất cả dữ liệu người dùng thuộc về nhà mạng; Mạng xã hội có quy mô nhỏ hơn, định hướng khách hàng hơn, thậm chí có thu phí; Mạng xã hội âm thanh, giao tiếp bằng giọng nói; Mạng xã hội đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng; Mạng xã hội doanh nghiệp phục vụ truyền thông nội bộ; công khai thuật toán. Mạng xã hội là hạ tầng xã hội nên phải sạch, có trách nhiệm với người dùng và với xã hội… Đó là những tính năng, đặc điểm mới của mạng xã hội thay thế cho thế hệ thứ nhất. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội thế hệ mới.
Thứ hai là công cụ tìm kiếm thế hệ mới, hướng đến hỏi một câu sẽ có một câu trả lời đáng tin cậy, có thể sử dụng được thay vì hỏi một câu lại có đến hàng triệu câu trả lời mà không biết độ tin cậy. Bên cạnh đó, có hiện tượng ai trả phí quảng cáo cao thì câu trả lời hiện lên trước. Hướng đến giao tiếp với công cụ tìm kiếm qua giọng nói sẽ thân thiện, gần gũi hơn đối với người dùng.
Thứ ba là hướng đến xây dựng bảo tàng cá nhân trên môi trường số và tiến tới phiên bản con người số bất tử có thể tương tác với người sống.
Thứ tư là các nền tảng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Danh sách các nền tảng này Bộ sẽ công bố trong quí 2/2021.
Trọng tâm của Chiến lược Kinh tế số là tăng trưởng của kinh tế số 20-25%/năm, gấp ba tăng trưởng GDP, hướng đến mục tiêu kinh tế số năm 2025 chiếm 20% GDP và trên 30% vào năm 2030.
Năm 2021 là năm đầu mà ngành Thông tin và Truyền thông triển khai các chiến lược quốc gia, như: chiến lược hạ tầng số, hạ tầng Bưu chính, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, an toàn không gian mạng quốc gia, chuyển đổi số báo chí. Các chiến lược này cơ bản sẽ được ban hành trong năm 2021.
Trong đó, trọng tâm của chiến lược hạ tầng số là 5G, Cloud, công nghệ và hạ tầng được cung cấp dưới dạng dịch vụ, là một số Platforms thiết yếu, là mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường truyền Internet cáp quang. Mục tiêu hạ tầng số Việt Nam đạt top 30 thế giới vào trước năm 2025. Theo Bộ trưởng, hạ tầng phải đi trước, đi nhanh. Hạ tầng số là hạ tầng nền kinh tế số nên Việt Nam phải làm chủ thiết bị hạ tầng. Xây dựng hạ tầng số là đổi mới lần hai của lĩnh vực bưu chính viễn thông.
Trọng tâm của Chiến lược Kinh tế số là tăng trưởng của kinh tế số 20-25%/năm, gấp ba tăng trưởng GDP, hướng đến mục tiêu kinh tế số năm 2025 chiếm 20% GDP và trên 30% vào năm 2030.
Trọng tâm của Chiến lược Phát triển doanh nghiệp công nghệ số là tinh thần Make in Vietnam, là chuyển đổi Việt Nam thành quốc gia số, là giải các bài toán Việt Nam bằng công nghệ, là phát triển các nền tảng chuyển đổi số, là làm chủ công nghệ qua việc đẩy mạnh ứng dụng và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu. "Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025 là mục tiêu của chúng ta", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã đưa ra một số cách tiếp cận, giải pháp đột phá, cách làm mới để thực hiện các chiến lược.
Bộ trưởng cho rằng, nếu có một từ chung để chỉ tất cả các chiến lược trên, đó chính là chuyển đổi số. Trọng tâm của toàn ngành Thông tin và Truyền thông trong 5 năm, 10 năm và dài hơn nữa cũng là chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang đề xuất với Chính phủ cho phép đổi tên Bộ để phản ánh đúng chức năng nhiệm vụ của Bộ trong tình hình mới.