Không ít người bảo ông Tuấn điên, dở hơi, liều bỏ tiền tỷ nuôi lợn lúc này khác gì “ném tiền qua cửa sổ”, nhưng ông bỏ ngoài tai, quyết tâm thực hiện. Và ông đã thành công khi mỗi năm thu gần 3 tỷ đồng từ nuôi gia công lợn cho một doanh nghiệp chăn nuôi có tiếng.
Đầu tư tiền tỷ chỉ để nuôi lợn thuê
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm trang trại lợn của ông Tuấn, chị Dương Thị Nhài – Phó Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu, bật mí: “Ông Tuấn là người làm ăn lớn, bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn thương phẩm khép kín. Trại lợn của ông lớn nhất tỉnh Lai Châu, quy mô mỗi lứa lên đến hơn 3.000 con lợn thương phẩm”.
Ông Trần Quốc Tuấn, tổ 7 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) bắt đầu nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp từ năm 2017.
Trại lợn của ông Tuấn nằm giữa cánh đồng ở bản Giang (xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Khi chúng tôi đến, ông Tuấn đã chờ sẵn ngoài cổng. Sau cái bắt tay thật chặt, ông bảo chúng tôi thay quần áo bảo hộ, đi ủng trước khi vào trại lợn.
Qua câu chuyện với ông Tuấn, được biết: Ý tưởng nuôi lợn theo quy mô trang trại được ông ấp ủ từ nhiều năm về trước, nhưng vì thiếu vốn nên chưa thực hiện được. Sau nhiều năm bôn ba ngược xuôi với nghề buôn lợn, tháng 3/2017, ông mới bắt tay vào thực hiện niềm đam mê nuôi lợn của mình.
Ông Tuấn lắp camere giám sát và ở phòng trung tâm ông có thể bao quát, giám sát, nắm tình hình ở các trại lợn. Chỉ cần ngồi một chỗ, ông có thể nắm bắt được mọi hoạt động diễn ra trong trại lợn.
“Những tháng đầu năm 2017, khi ngành chăn nuôi lợn trong nước lâm vào khủng hoảng, giá lợn hơi giảm sâu, thì tôi lại đầu tư chuồng trại để nuôi lợn. Thấy tôi làm vậy, nhiều người bảo tôi dở hơi, không biết tính toán. Không để ý đến những lời đàm tiếu đó, tôi quyết làm theo mình” – ông Tuấn nhớ lại.
Nói là làm, tháng 3/2017, ông Tuấn bắt tay vào xây dựng hệ thống chuồng trại, làm cầu cống, đường đi, trạm điện, hầm bioga, nhà ở cho công nhân, phòng sát trùng, nhà kho để thức ăn cho lợn... chi phí lên đến gần 10 tỷ đồng.
Với 6 trại nuôi lợn khép kín, được ông Tuấn xây dựng theo kiểu nhà kho, lợp mái tôn, phía dưới mái làm trần nhựa. Bên trong mỗi trại lợn, được chia thành 2 dãy, mỗi dãy có 5 ô, ô nào cũng lắp đặt máng ăn tự động cho lợn. Không hết, ông Tuấn còn đầu tư lắp đặt giàn mát, quạt thông gió, hệ thống đèn sưởi trong trại lợn, tạo điều kiện tốt nhất cho đàn lợn phát triển.
Theo ông Tuấn, không phải ông “nhắm mắt, làm liều” bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn thời bão giá, mà tất cả đều nằm trong sự tính toán kỹ lưỡng của ông. Ông Tuấn không nuôi lợn theo kiểu “làm tất, ăn cả” mà đầu tư chăn nuôi theo hình thức liên kết với công ty, mà cụ thể là nuôi lợn gia công cho một doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Trại nuôi lợn của ông Tuấn được xây dựng khép kín, có thể kiểm soát được nhiệt độ chuồng nuôi thông qua hệ thống giàn mát, quạt thông gió. Ông Tuấn còn lắp đèn sưởi cho lợn mỗi khi trời rét.
“Gọi là ông chủ cho oai, chứ thực ra tôi chỉ là người nuôi lợn thuê mà thôi. Tôi đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại nuôi lợn, đảm bảo theo yêu cầu của công ty, còn công ty có trách nhiệm cung cấp con giống đạt tiêu chuẩn, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Chăn nuôi theo hình thức này sẽ bền vững hơn, người nuôi không lo giá cả lên xuống và cũng không phải lo đầu ra, hạn chế rủi ro xảy ra. Công ty có trách nhiệm tiêu thụ lợn hơi khi xuất chuồng” – ông Tuấn giãi bày.
Mua lại lợn mình nuôi để bán ra thị trường
Sau khi xây dựng xong chuồng trại, tháng 11/2017, ông Tuấn bắt lợn giống của công ty về nuôi nhốt trong từng trại, mỗi trại 550 con.
Vì nuôi lợn với số lượng lớn nên ông Tuấn đặc biệt chú ý tới khâu phòng chống dịch bệnh cho chúng. Theo ông Tuấn, đàn lợn giống do công ty cung cấp, được kiểm soát chặt chẽ ngay từ trại nái nên ông hoàn toàn yên tâm về chất lượng con giống. Đàn lợn nhà ông Tuấn còn được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng các loại dịch bệnh, như: Viêm da, viêm phổi, dịch tả, lở mồm long móng...
Ông Tuấn thuê 6 công nhân chăm sóc đàn lợn, vệ sinh chuồng trại mỗi ngày.
“Việc tiêm phòng vắc-xin do cán bộ kĩ thuật của công ty đảm nhiệm và được thực hiện theo định kì, phù hợp với số ngày tuổi của lợn, chứ không phải thích tiêm lúc nào cũng được. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên nhắc nhở công nhân dọn dẹp vệ sinh chuồng trại mỗi ngày 2 lần” – ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn lắp máng ăn tự động ở các chuồng nuôi, đàn lợn đói lúc nào ăn lúc đó.
Tùy theo từng độ tuổi của đàn lợn mà ông Tuấn cho ăn với chế độ dinh dưỡng khác nhau. Từ khi nhập con giống về đến khi xuất chuồng, ông Tuấn cho lợn ăn 5 loại cám khác nhau. Thời kỳ đầu, ông cho đàn lợn ăn cám sữa, đến khi gần xuất chuồng thì ông lại cho chúng ăn cám đào thải. Ông cho lợn ăn hoàn toàn cám công nghiệp do công ty cung cấp. Cám được đổ vào máng ăn tự động, lợn đói lúc nào ăn lúc đó...
Được chăm sóc, cho ăn theo chế độ đặc biệt, đủ dinh dưỡng nên đàn lợn nhà ông Tuấn phát triển tốt, tăng cân vù vù,, chỉ sau hơn 4 tháng nuôi đã đảm bảo trọng lượng xuất chuồng.
Theo ông Tuấn, nuôi lợn gia công cho công ty không phải lo đầu ra, hạn chế được nhiều rủi ro xảy ra.
“Nuôi lợn thuê cho doanh nghiệp, tôi được trả công là 4.000 đồng/kg lợn hơi khi xuất chuồng (không tính trọng lượng con giống). Khi lợn đạt trọng lượng xuất chuồng, công ty chịu trách nhiệm khâu tiêu thụ theo hợp đồng ký kết. Thay vì trả lợn cho công ty, tôi đã mua lại số lợn mà mình nuôi để bán ra thị trường. Muốn mua lại lợn thương phẩm do chính tay mình nuôi, thì phải đăng ký với công ty và được công ty cấp mã số. Khi cân lợn bán ra thị trường bắt buộc phải có sự kiểm soát, giám sát của cán bộ kỹ thuật trong công ty. Tất nhiên là khi có lãi thì tôi mới mua lại lợn của công ty để cung cấp ra thị trường”, ông Tuấn cho hay.
Mỗi năm, ông Tuấn nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa 3.300 con, trọng lượng bình quân khi xuất chuồng đạt khoảng 125kg/con lợn. Như vậy mỗi năm, ông Tuấn cung cấp cho công ty hơn 800 tấn lợn hơi thương phẩm.
“Chỉ tính tiền công nuôi lợn thuê, mỗi năm tôi cũng thu gần 3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí điện, nước, tiền nhân công, tôi còn lời hơn 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể tiền chênh lệch giá mà tôi thu được từ việc mua lại lợn của công ty bán ra thị trường” – ông Tuấn bộc bạch.