Nhiều người bỏ hàng nghìn USD để bay về Việt Nam. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng nổ, không ít người băn khoăn làm thế nào về nhà sau khi hết thời hạn cách ly.
Hết cách ly, chưa rõ về nhà bằng cách nào
Ít ngày trước, ông Chiến Nguyễn đáp chuyên bay thương mại từ Mỹ về Việt Nam (nối chuyến tại Hàn Quốc). Về đến sân bay Cam Ranh, ông và những người cùng đoàn được chuyển đến cách ly 14 ngày tại một khu resort ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Mặc dù đã tiêm đủ hai liều vắc xin và có giấy xác nhận, tuy nhiên những người trên chuyến bay này vẫn phải cách ly 14 ngày.
Trải qua chuyến bay dài 13 tiếng từ Mỹ về Hàn Quốc, rồi từ Hàn Quốc về Việt Nam, điều ông Chiến Nguyễn băn khoăn là không biết sẽ về nhà ở Hà Nội bằng cách nào. Các chuyến bay gần như không có, tàu hỏa cũng không, ô tô lại càng hiếm hoi, nhất là khi nhiều tỉnh dọc đường về Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16.
“Tôi có hỏi phía khách sạn, họ nói rằng hết hạn cách ly thì mọi người về nơi lưu trú. Nhưng khi hỏi về cách nào thì họ chỉ đưa cho số một nhà xe để chúng tôi tự liên hệ. Tuy nhiên, nhà xe này không chắc chắn lắm, người ta nói thả chỗ này chỗ kia chứ không nói chở về nhà”, ông Chiến Nguyễn nói.
Một chuyến bay đưa người Việt Nam về nước. Ảnh: NVCC |
Cũng đang thực hiện cách ly ở Nha Trang, ông Đỗ Trọng Hải - về Việt Nam từ Canada - chia sẻ: "Đại lý bán vé máy bay, hãng bay, hay khách sạn lưu trú đều không chịu trách nhiệm việc đưa công dân về địa phương. Họ chỉ quan tâm cho mọi người về đến điểm cách ly, xong hết hạn cách ly về nơi lưu trú thế nào thì chúng tôi không biết. Đến ngày 3/9 là chúng tôi hết hạn cách ly, ngày 2/9 xét nghiệm nếu âm tính sẽ được về nhà. Nhưng chúng tôi chưa không biết về Hà Nội bằng cách nào.
Nếu đi bằng ô tô thì có bị chặn ở các tỉnh không? Nếu ra Hà Nội quá 48 tiếng thì chúng tôi xét nghiệm PCR lại hay phải cách ly tiếp 14 ngày?”, ông Hải băn khoăn.
“Phê duyệt để thực hiện một chuyến bay về Việt Nam phải qua nhiều thủ tục, điều kiện, nhưng hết cách ly về nơi lưu trú thế nào thì không thấy ai nói đến”, ông Hải cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hằng về Việt Nam ngày 20/8 và đang thực hiện cách ly theo quy định. Đến nay, chị vẫn không biết sẽ về Hải Phòng ra sao, khi chị không nhận được bất cứ thông báo nào về việc này.
Chị Nguyễn Thị Hằng cho rằng: Trước đây khi dịch chưa bùng phát như bây giờ, việc di chuyển về nơi cư trú không quá khó khăn. Người dân có thể tự mua vé máy bay hay các phương tiện khác. Giờ chị phải tự lo, nhưng hết hạn cách ly chị phải ở thêm 4 ngày nữa mới có chuyến bay về Hải Phòng.
"Tôi đã đặt vé máy bay để về vào ngày 7/9 song 80% họ sẽ hủy vé. Nếu vậy không biết tôi sẽ về bằng cách nào khi hết thời hạn cách ly", chị lo lắng.
Trả lời PV.VietNamNet, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết các công dân này trở về Việt Nam từ chuyến bay tương mại, nên địa phương không tổ chức đưa công dân về nơi cư trú. |
Được biết, tổng chi phí cho mỗi chuyến bay về Việt Nam như vậy khoảng 5.500 USD trở lên, bao gồm cả chi phí cho thời gian cách ly.
Tuy nhiên, việc về nơi lưu trú như thế nào không đơn vị nào đứng ra đảm nhận. Có người liên hệ nhà xe để về Đồng Nai, thế nhưng nhà xe nói sẽ “thả khách” ở quốc lộ, cách nhà mấy chục kilomet. Nếu buộc phải ở lại trong thời gian chờ có phương tiện di chuyển về địa phương, nhiều người cũng không biết sẽ ở đâu, nhất là ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Nên tổ chức các chuyến xe, người dân tự chi trả
Như vậy, việc chủ động các phương án để người nhập cảnh hết cách ly trở về địa phương cư trú là điều cần thiết. Hiện, không ít người lo ngại rằng, việc di chuyển bằng những phương tiện không đảm bảo phòng chống dịch bệnh sẽ có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Ông Chiến Nguyễn kiến nghị: Khi người dân mua vé máy bay, được nhập cảnh, tức là nhà nước đã chấp nhận cho về nhà rồi, nên cần tính toán đến việc hết hạn cách ly người dân di chuyển bằng gì về nhà, tất nhiên người dân sẽ phải trả chi phí.
Nhiều ý kiến đề xuất, các địa phương có cơ sở cách ly cho người nhập cảnh cần tổ chức những đoàn xe để đưa người nhập cảnh hết hạn cách ly về nhà, có thể huy động xe của các công ty lữ hành - vận tải. Chi phí do người dân tự chi trả.
Đề nghị nên thống nhất việc áp dụng cách ly là 7 ngày với người nhập cảnh tiêm đủ hai liều vắc xin như hướng dẫn của Bộ Y tế, ông Đỗ Trọng Hải cũng góp ý về việc đưa công dân từ khu cách ly về nơi lưu trú.
Theo ông Hải, nếu không có chuyến bay về các nơi thì ít nhất phải cho phép tàu chở khách chạy trong các ngày có công dân hết cách ly, hoặc được thuê xe chở về địa phương mình (nếu phải đi đường bộ bằng ô tô). Người dân sẵn sàng trả tiền để về nhà.
“Ngoài ra, nhà chức trách cần có chính sách rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con từ nơi cách ly về nhà, không bị ách lại ở các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội... Mọi thứ phải thống nhất rõ ràng từ ban đầu và có sự phối hợp của các cơ quan xử lý sau cách ly”, ông Hải kiến nghị.
Lương Bằng