Rạng sáng 9/3 (giờ Hà Nội), Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cùng đại diện 10 nước thành viên đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago, Chile. Thỏa thuận thương mại mới dự kiến sẽ loại bỏ 98% thuế quan trên thị trường xuyên Thái Bình Dương và trị giá hơn 12.000 tỷ USD.
Sau rất nhiều những thách thức, bắt đầu từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký lệnh rời khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi đầu năm ngoái, phiên bản mới hơn, toàn diện hơn cuối cùng cũng được 11 nước, bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore, thống nhất.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (phải) và đại diện các nước chụp ảnh (Nguồn: AFP).
Các Bộ trưởng chia sẻ quan điểm rằng với việc đạt được một thỏa thuận có chất lượng cao và cân bằng, Hiệp định sẽ củng cố mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên cũng như thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, hộ gia đình, nông dân và người lao động. Hiệp định này là minh chứng cho cam kết của tất cả các thành viên vì một hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên nguyên tắc và minh bạch. Hệ thống thương mại này cũng mở cửa đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc nói trên.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết thỏa thuận này là một thành tựu lịch sử và sẽ thúc đẩy việc làm tại đây. Bộ trưởng Thương mại nước này, ông Steve Ciobo, nói lễ ký kết CPTPP là "một ngày rất tốt cho thương mại".
Bộ trưởng Tăng trưởng Thương mại và Xuất khẩu David Parker của New Zealand cho biết thỏa thuận sẽ giúp trao quyền cho các cộng đồng đang bị "gạt ra ngoài lề" như các nhóm thiểu số hay phụ nữ.
Bộ trưởng Canada, Bộ trưởng Chile và Bộ trưởng New Zealand bắt tay tại sự kiện (Nguồn: EPA).
Bộ trưởng Chính sách Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng Nhật Bản đã sẵn sàng để đóng một vai trò hàng đầu trong việc thực thi hiệp định. "Tôi cũng muốn chúc mừng tất cả các thành viên ở đây hôm nay vì đã đạt được thỏa thuận rất nhanh chóng, bất chấp một số thách thức khó khăn khác nhau", ông chia sẻ. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz khẳng định CPTPP đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng thương mại quốc tế vẫn còn rất phát triển.
Các đại biểu từ Chile và Malaysia bắt tay trong lễ ký kết CPTPP (Nguồn: Associated Press).
"Tại thời điểm chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, những gì chúng ta đạt được là một thông điệp chính trị đáng kể cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và với phần còn lại của thế giới", ông Munoz nói. Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne nhấn mạnh nước này tự hào là một phần của thỏa thuận lịch sử.
Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao và toàn diện, CPTPP sẽ là nền tảng định hình các mối quan hệ mới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian tới. Việc 11 nước ký kết Hiệp định CPTPP sẽ là một bước ngoặt lịch sử quan trọng, tạo tiền đề để các thành viên tham gia bắt đầu quá trình phê chuẩn và đưa Hiệp định này vào giai đoạn thực thi.