Sáng 01/11, những vấn đề liên quan đến 12 dự án yếu kém của ngành công thương đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải đáp trên nghị trường Quốc hội.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, việc chuẩn bị giải pháp, cơ chế chính sách và những bước để triển khai xử lý 12 dự án yếu kém sẽ hoàn tất trong năm 2017. Năm 2018 sẽ tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này. Đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để, toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực.
“Hiện nay, tiến độ đang được đảm bảo. Trong số 12 dự án này, có 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục lại hoạt động sản xuất và đang từng bước tiếp cận thị trường có hoạt động thương mại hiệu quả. Từ đó có những giải pháp bán vốn, thu hồi vốn nhà nước” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, 3 dự án thuộc nhóm đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) đang có những “tổ chức lại” và sẽ hoạt động thương mại vào năm 2018. 3 dự án này là nhà máy NLSH Quảng Ngãi, nhà máy NLSH Phú Thọ và nhà máy NLSH Bình Phước.
Các dự án như nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước, giải pháp về công nghệ, giải quyết các tồn tại với nhà thầu nước ngoài,...
Công tác giải quyết xử lý vấn đề ở 12 dự án yếu kém ngành công thương đã Chính phủ quyết liệt thực hiện trong thời gian qua. Trong hai năm (2016 và 2017) ban chỉ đạo của Chính phủ đã được thành lập nhằm đánh giá tổng thể, toàn diện, kết hợp kiểm tra cụ thể các dự án. Từ đó, tìm ra được những vấn đề, nguyên nhân, lý do và những tồn tại bất cập. Đối với mỗi dự án, phương án giải quyết phải bảo đảm 2 nhiệm vụ: giải quyết về hiệu quả của dự án (bao gồm: công nghệ, thương mại); xử lý vi phạm của các tổ chức và cá nhân ở các cấp.
Báo cáo về 12 dự án yếu kém đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương sẽ có những giải trình thêm nếu các đại biểu yêu cầu.