Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho hay, trong thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Vậy, thông tin này có đúng hay không?
Chất vấn Bộ trưởng Công Thương, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng rằng thời gian qua có hiện tượng livestream bán hàng trên mạng xã hội, doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày. Ông Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết thông tin này đúng hay không? Nếu đúng, ông đề nghị Bộ trưởng cho biết quản lý hình thức thương mại điện tử như thế nào?
Đại biểu Nghĩa nêu thực tế giá bán ở các phiên livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, gây bất ổn thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhận định vấn đề này và cách xử lý; cũng như có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Diên cho biết để kiểm soát hàng nước ngoài ồ ạt thống lĩnh thị trường, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt; thanh kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng…
Tuy vậy, Bộ trưởng Diên không đề cập rõ doanh thu trăm tỷ là "ảo hay thật". Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Nghĩa tiếp tục giơ biển xin tranh luận.
"Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi là các livestream vừa rồi Bộ biết không, thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào", Đại biểu Nghĩa chất vấn.
Trả lời chất vấn của ông Nghĩa, người đứng đầu Bộ Công Thương vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cho rằng "cần phối kết hợp với lực lượng chức năng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân".
Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng: Các giải pháp của Bộ Công Thương là quản lý các sàn thương mại điện tử thì rất dễ vì đã có định danh. "Nhưng các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo, họ livestream bán hàng doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là vấn đề rất lớn. Nếu như đi theo giải pháp là xóa các trang như Bộ trưởng trình bày thì cũng không giải quyết được vì lập lại trang mới rất dễ", ông nói.
Đại biểu này cũng cho rằng cứ đuổi theo như vậy khó giải quyết dứt điểm vấn đề này. "Cảm giác nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý rất vất vả, cứ đuổi theo như một ma trận, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ, thuế thì thất thu", ông bình luận.
Cùng chất vấn, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, TP.HCM cho biết, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Đại biểu đề nghi Bộ trưởng cho biết giải pháp để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này? Qua đó, hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng về vấn đề này, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) chỉ ra thực tế hiện nay các đơn hàng thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử, được chuyển qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển, mở đơn hàng. Trong khi đó chế tài xử lý với sàn thương mại điện tử chưa có.
Đặc biệt là những người kinh doanh livestream ở thành phố lớn, hàng hóa để ở áp sát biên giới, khi được thông quan, vận chuyển qua chuyển phát nhanh. Vậy vướng quy định luật bưu chính viễn thông kiểm tra hàng hóa là không bắt buộc, nên việc xử lý gặp khó khăn.
"Việc xử lý không chỉ của ngành công thương mà còn các bên, vì đơn vị sở hữu nền tảng đó thậm chí còn ở nước ngoài, nên giải pháp thế nào để khắc phục triệt để tình trạng này, tôi mong muốn Bộ trưởng cho biết thêm", Đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Trả lời câu hỏi của hai đại biểu nói trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, quản lý livestream là thực sự khó khăn. Để quản lý được không chỉ là trách nhiệm ngành Công Thương mà còn nhiều ngành như thông tin truyền thông, tài chính…
Giải pháp tốt nhất là có sự phối hợp giữa các bộ ngành và Bộ Công Thương chủ trì phối hợp, lực lượng quản lý thị trường đấu tranh và làm rõ hành vi sai phạm, tìm các địa điểm đối tượng này tập kết hàng hóa, giao dịch, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan chức năng, chống thất thu thuế. Hoạt động này biến hóa khôn lường nên quy định pháp luật cần tiếp tục rà soát và sửa đổi bổ sung cho phù hợp vì đây là lĩnh vực mới.
Thương mại điện tử của ta phát triển rất mạnh, quy mô thương mại 21 tỷ USD, nên trong tương lai phát triển mạnh nữa và cơ chế chính sách cần tiếp tục sửa đổi bổ sung cho hoàn thiện. Cùng đó cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Vì mua bán giao dịch cuối cùng cũng không thể loại được lưới trời, vai trò quản lý của chính quyền địa phương xem xét xử lý ban đầu và sự theo dõi của người dân. Nếu chứng minh được vi phạm pháp luật sẽ xóa vĩnh viễn trang này.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nghĩa, ông Diên khẳng định: "Với những trường hợp phát hiện vi phạm sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Để quản lý hoạt động livestream, sẽ phải phối kết hợp lực lượng chức năng, rà soát quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông, người tiêu dùng nhận thức và tránh hiện tượng nêu trên", ông Diên nêu.