Chiều nay (9/6), tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Đinh Ngọc Minh, đoàn Cà Mau cho rằng, hiện cả nước dồn sức làm cao tốc, nhưng chất lượng đường vừa qua đặt ra nhiều vấn đề. Nguyên nhân là thiết kế, thi công hay giám sát?
Theo đại biểu, để giảm tải đường bộ thì phải phát triển đường sắt. Nhưng đường sắt chỉ chiếm 0,2% thị phần hành khách, 1,2% thị phần vận tải. "Hướng cơ cấu lại ngành đường sắt thế nào", đại biểu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cao tốc chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp. Còn đường chất lượng cao "có nhưng không tới mức dự án cao tốc nào cũng không đảm bảo chất lượng". Xây dựng cơ bản hiện nay phải làm thật tốt, dự án cao tốc hiện nay và sắp tới sẽ bám theo các tiêu chí này.
Theo Bộ trưởng, các khâu thanh, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm.
"Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật", Bộ trưởng Thể khẳng định.
Về định hướng phát triển đường sắt, Bộ trưởng Thể cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thẩm định dự án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Kế hoạch là sẽ báo cáo Bộ Chính trị và phấn đấu trong nhiệm kỳ này báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Khi có chủ trương đầu tư còn lập dự án đầu tư, 3-4 năm sau mới có thể triển khai. Hệ thống đường sắt hiện hữu sẽ định hướng thành vận chuyển hàng hoá, kết nối xuống các cảng cùng đường biển. Còn đường sắt Bắc Nam tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách để đảm bảo giao thông Bắc Nam thông suốt, nhất là vào dịp lễ Tết.
Tranh luận về các kết quả kiểm toán một số dự án BOT không đảm bảo phương án tài chính dẫn đến buộc phải xử lý bằng cơ chế riêng, đại biểu Lê Minh Nam đoàn Hậu Giang nêu dẫn chứng kết quả kiểm toán giai đoạn 2016-2020 cho thấy, kiểm toán 83 dự án BOT và BT thì Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu đối với các dự án là 302 năm.
Đại biểu cho rằng, có khó khăn trong quá trình giám sát các công trình BOT, thực tế chứng minh có những khó khăn trong giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT để đảm bảo cho các dự án triển khai một cách hiệu quả, hiệu lực và đạt được mục tiêu đề ra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm về thực trạng này nhằm phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện vấn đề, đồng thời chia sẻ với cử tri về những giải pháp đang được Bộ triển khai thực hiện để khắc phục.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này. Dự án BOT khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định của Chính phủ, việc đấu thầu dự án là khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải là thiết kế kỹ thuật được duyệt, chưa phải dự toán được duyệt. Dự án đầu tư có nghiên cứu, có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá...
Theo ông Thể, theo quy định hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc, ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có đưa điều khoản, sau khi dự án hoàn thành, căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ Giao thông-Vận tải và nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án được triển khai.
"Vì vậy chúng ta có hai con số, con số kiểm toán nêu ra, chúng tôi đã báo cáo là số liệu này đúng, nhưng chưa đúng bản chất, bởi chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc, khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng. Chứ nếu Bộ Giao thông-Vận tải mà ký hợp đồng như thế thì chắc chắn anh em Bộ chúng tôi không thể ngồi ở đây. Không thể làm sai như thế được", ông Thể nói.
Con số thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là từng dự án BOT sau khi hoàn thành, được kiểm toán, quyết toán và ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí nên số liệu kiểm toán và số liệu Bộ ký là không khác nhau mà chỉ khác với hợp đồng nguyên tắc.
"Chứ không thể làm sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng được", Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải khẳng định lại./.