Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có cuộc trả lời báo chí sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 7. Nâng tuổi nghỉ hưu là nội dung được Bộ trưởng dành nhiều thời gian phân tích.
Nâng tuổi nghỉ hưu là giải pháp bắt buộc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm đa mục tiêu: Bảo đảm nguồn nhân lực lao động, đối phó với xu hướng và tốc độ già hóa dân số; Phù hợp với biến đổi môi trường và thị trường lao động; Thực hiện bình đẳng giới; Đảm bảo mục tiêu cân đối quỹ bền vững và lâu dài.
"Theo dự báo của các tổ chức lao động quốc tế, các chuyên gia, đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Việt Nam cũng là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc dạng nhanh nhất thế giới. Vì vậy, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ không kịp thời đối phó với tốc độ già hóa dân số này. Có thể nói rằng, đây là thời cơ vàng để thực hiện điều này" – ông Đào Ngọc Dung nói.
Năm 2000, có 1,7 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 500.000 người đến tuổi nghỉ hưu. Năm 2017, trong khi 1,3 triệu người bước vào độ tuổi lao động thì xấp xỉ 1 triệu người bước vào tuổi hưu. Dự báo của Tổng cục thống kê chỉ ra rằng, đến năm 2035 có 1,5 triệu người bước vào tuổi lao động và 1,3 triệu người bước vào tuổi nghỉ hưu. Nếu nhìn ở góc độ lao động, số người nghỉ hưu sẽ cao gấp 5 lần số lượng người bước vào tuổi lao động. Đây là chỉ báo cho thấy tốc độ già hóa dân số VN ở giải đoạn rất cao.
"Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, nếu không điều chỉnh nhanh, không có tầm nhìn dài, quyết định mau lẹ và thực hiện theo lộ trình thì Việt Nam ta sẽ chuyển gánh nặng này cho thế hệ con, thế hệ cháu chúng ta sau này" – ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành đã được ban hành từ năm 1960, khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam mới hơn 40 tuổi. Trong 60 năm qua, tuổi thọ của nam giới đã lên mức 78 tuổi, nữ giới là 79,5 tuổi – mức thọ bình quân cao nhất khu vực. Nhưng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của Việt Nam lại thuộc dạng thấp nhất trong khu vực (bình quân tuổi nghỉ hưu là 54,3 với 55,6 tuổi đối với nam, 52,6 tuổi đối với nữ). Trong khi đó, tuổi bình quân đóng BHXH của nam là 28 năm, hưởng lương hưu là 22,5 năm; Nữ đóng bình quân 23 năm, hưởng lương hưu là 27 năm. Mức đóng bình quân cả nam và nữ vào BHXH là 22% và mức hưởng bình quân tới 70%, một số người hưởng cao tới 75%.
"Các tính toán của thế giới chỉ ra rằng, nếu đóng 40 năm thì hưởng 20 năm mới bảo đảm bền vững quỹ. Ở Việt Nam đang ngược lại, đóng thời gian ngắn nhưng hưởng dài, đóng ít nhưng hưởng nhiều. Theo lẽ thông thường đã không đảm bảo sự bền vững của quỹ rồi" - ông Đào Ngọc Dung nói.
Sẽ có quyết định về độ tuổi và lộ trình thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu
Theo ông Đào Ngọc Dung, Ban Chấp hành Trung ương mới quyết định chủ trương điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Phương án được trình lên là mỗi năm điều chỉnh 3 tháng hoặc 4 tháng. Tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62, đối với nữ là 60.
"Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc. Sau này, việc điều chỉnh lên bao nhiêu tuổi (60 đối với nữ, 62 đối với nam hay là phương án cao hơn), hoặc lộ trình (3 tháng, 4 tháng) như thế nào thì sẽ được cụ thể hóa bằng việc điều chỉnh và sửa đổi Luật Lao động" – ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Do đó, trong quá trình thiết kế chính sách, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với nữ có thể được điều chỉnh ngắn lại. Nhưng việc rút ngắn thời gian sẽ bảo đảm không gây ra cú sốc trên thị trường lao động và cho xã hội.
Những ngành nghề đặc biệt, có thể nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn 5 năm. 8 ngành nghề độc hại đã được quy định có thể được rút ngắn tuổi nghỉ hưu so với quy định 5 năm. Tuổi nghỉ hưu của những người làm việc trong ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao có thể sẽ lên đến 65 tuổi.
"Từ nay đến 2021, khi Luật Lao động và các bộ luật khác được cụ thể hóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cục bộ ở một số nhóm đối tượng đặc thù, đặc biệt theo điều 3 khoản 3 điều 187 Bộ Luật lao động" – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định.