Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu cũng như trong khu vực. IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm 4,9%; đặc biệt nền kinh tế khu vực châu Á sẽ giảm 1,6%.
Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng khu vực ASEAN sẽ là -2%. Các quốc gia ASEAN+3 bao gồm: Nhật Bản tăng trưởng -5,8%; Hàn Quốc tăng trưởng -2,1%, Trung Quốc tăng trưởng 1%.
Theo đó, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN cùng với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chia sẻ về các giải pháp mà nền kinh tế trong khu vực đang triển khai nhằm ngăn chặn đại dịch và phục hồi nền kinh tế. Trong đó bao gồm gói các giải pháp về tài khóa, tiền tệ và quy định quản lý hệ thống tài chính.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ các giải pháp chính sách nhằm duy trì ổn định tài chính, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch. Cụ thể: NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.
Đồng thời, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với cung cầu thị trường, điều chỉnh quy định liên quan cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng,...
Các giải pháp này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm củng cố mức tín nhiệm quốc gia, duy trì lòng tin của các nhà đầu tư đối với kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt dương, ở mức 2% và có thể đạt 2,5% nếu điều kiện cho phép. Chính phủ cũng dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2021.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra các dự báo tăng trưởng tích cực của Việt Nam. Cụ thể: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 tăng 1,8%; Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra kịch bản tăng trưởng tích cực hơn cho Việt Nam, đạt 2,8% trong năm 2020.
Các sáng kiến hợp tác tài chính ASEAN+3
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 đã thông qua các nội dung kỹ thuật quan trọng trong hội nghị. Cụ thể về việc sửa đổi Thỏa thuận CMIM (Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai), trong đó có nội dung tăng tỷ lệ tiếp cận chương trình CMIM không gắn với các khoản vay của IMF từ 30% lên 40% và các tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện Thỏa thuận CMIM, kế hoạch triển khai chạy thử nghiệm CMIM bằng tiền thật lần thứ 11...
Các kết quả hợp tác đạt được của Sáng kiến CMIM có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hợp tác và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh kinh tế khu vực đang đối mặt với nhiều bất ổn.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng hoan nghênh việc triển khai các sáng kiến mới trong khuôn khổ Định hướng chiến lược Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3 nhằm tăng cường ổn định kinh tế và tài chính trong khu vực.
Cuối cùng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng vào sự hợp tác chặt chẽ của giữa các bên và hy vọng chúng ta sẽ thu được kết quả tốt đẹp tại Hội nghị lần này, cũng như cả tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 trong năm 2020".