Chiều 29/10, tại chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã có buổi thảo luận ở tổ về Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phát biểu tại Tổ đại biểu số 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã bàn rất kỹ về đề án kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trước khi trình ra Quốc hội.
Bộ trưởng chia sẻ, đến thời điểm này, chính sách tài khoá của năm đã hoàn thành, thu ngân sách vẫn đảm bảo tăng 1,7%, chi ngân sách không vượt dự toán. Bên cạnh đó, Chính phủ đã thực hiện một loạt chính sách về hoãn, giảm thuế, đã giúp doanh nghiệp giảm được 15 nghìn tỷ đồng tiền thuế, giảm 30 loại phí, giảm thuế xăng dầu…
"Đồng thời, chúng ta đã thực hiện chính sách tài khoá với chi giảm rất tốt và phát hành trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại nợ, vốn hoá trên thị trường chứng khoán cũng rất tốt, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Việt Nam đang tiếp tục chuyển sang giai đoạn mới là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vì vậy, bây giờ phải tạo nên các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cho cầu của nền kinh tế tăng lên. Từ đó, nền kinh tế sẽ bước sang một giai đoạn mới phục vụ cho vấn đề tăng trưởng.
Về giải pháp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới sẽ đề nghị với Chính phủ thiết kế từng gói và quản lý theo từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo có hiệu quả.
"Tới đây Việt Nam sẽ tập trung chuyển đổi số, nhưng đây là kế hoạch dài hạn. Kế hoạch ngắn hạn bây giờ doanh nghiệp cần đó là thị trường, nguồn nhân lực và vốn. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách và thể chế", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về vốn, Bộ trưởng chia sẻ, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu với Thủ tướng và Chính phủ về một số gói kích thích kinh tế. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thực hiện gói này.
"Gói hỗ trợ lãi suất này được lấy từ chính sách tài khoá, tức lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương. Khoảng 20.000 tỷ đồng/năm chẳng hạn. Như vậy, sẽ hỗ trợ 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng có đủ điều kiện để vay, để phát triển, sản xuất mới như lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống…", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Ngoài ra, các dự án đầu tư đối với công trình hạ tầng cũng sẽ được hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt là công trình hạ tầng trọng yếu, hạ tầng trọng điểm quốc gia. Qua đó, sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Một nguồn tiền nữa được Bộ trưởng Tài chính nêu đó là đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. Bộ cũng đang hiến kế huy động tiền nhàn rỗi trong dân. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại đang có mức lãi suất 0 đồng, thì sẽ huy động nguồn này để phát triển kinh tế của đất nước.
"Gói này huy động tiền trong dân, như huy động USD nhàn rỗi. Huy động nguồn này dùng để phát triển kinh tế của đất nước", Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong trường hợp cần thiết thì sẽ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, để tập trung giải quyết vào những vấn đề trước mắt, thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó quay vòng vốn đảm bảo cho kinh tế phát triển.
Ông nhấn mạnh, gói kích cầu năm 2022-2023 có thể làm tăng bội chi, nhưng đến năm 2024 thì giảm bội chi. Bội chi bình quân của cả nhiệm kỳ vẫn đạt được theo chỉ tiêu mà đại hội Đảng lần thứ XIII đã định.
Về thu, Bộ trưởng cho biết ngành tài chính sẽ tập trung vào thu trên nền tảng số. Tới ngày 1/7/2022 tất cả các doanh nghiệp sẽ thực hiện hoá đơn điện tử.
"Chúng tôi cũng còn nhiều giải pháp, tính thêm các nguồn thu ngân sách. Ví như tập trung vào các nền tảng số như YouTube, sàn thương mại điện tử. Một số vấn đề như có giãn thuế nữa hay không thì chúng tôi sẽ cân nhắc", ông nói.