Tại sao Bộ Tài chính lại đưa ra đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản vào thời điểm này?
Trước hết, chúng tôi rất hoan nghênh, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến trái chiều khác nhau của các chuyên gia, nhà kinh tế, nhân dân cả nước trong quá trình hoàn thiện Dự thảo luật này để trình Chính phủ. Nếu được Chính phủ thông qua, Bộ sẽ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của các năm tiếp theo của kỳ họp Quốc hội khoá 13 kỳ này.
Thứ hai, chúng tôi đề xuất dự án luật này trên cơ sở triển khai các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và chỉ đạo Chính phủ. Cụ thể, theo Nghị quyết 19 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 cũng như Chiến lược cải cách thuế trong giai đoạn 2011 – 2020 và Đề án Thủ tướng đã duyệt về huy động nguồn lực từ đất đai.
Gần đây nhất là Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia và Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó đều nêu rõ chúng ta sẽ nghiên cứu chính sách thuế với tài sản và trong đó: đối tượng thuế tài sản bao gồm đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Mặt khác, triển khai nghiên cứu dự thảo luật về thuế tài sản kỳ này trên cơ sở đảm bảo mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước về tài sản. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà và đất, chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công.
Cùng với đó là mục tiêu điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác, sử dụng.
Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp. Cuối cùng là đảm bảo sự minh bạch trong quản lý tài sản. Đây là một trong những giải pháp tham gia vào phòng ngừa, phòng chống tham nhũng lãng phí và có phần nữa cơ cấu lại ngân sách nhà nước.
Chúng tôi đang nghiên cứu, xin ý kiến nhân dân, ý kiến các tổ chức, chuyên gia để từng bước hoàn thiện dự án Thuế tài sản để báo cáo lên Chính phủ.
Việc mở rộng nguồn thu đồng ý là cần thiết nhưng dư luận cũng băn khoăn tại sao Bộ Tài chính không đẩy mạnh các giải pháp để tiết kiệm chi?
Tôi nhất trí với quan điểm này. Bộ Tài chính đồng ý là sẽ cơ cấu lại ngân sách trên cơ sở cơ cấu lại các chính sách về thu trong điều kiện hội nhập và mở cửa Việt Nam phải cắt giảm mạnh thuế quan, đặc biệt là thuế nhập khẩu.
Để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong thời gian tới, giải pháp căn bản nhất là phải mở rộng nguồn thu.
Song song, Bộ cũng tiến hành một loạt các giải pháp để tiết kiệm chi để đảm bảo làm sao chi thường xuyên phải được giảm đi. Thông qua đó để có nguồn cho tăng chi đầu tư phát triển, chi trả nơ trong thời gian tới.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm chi như tiết kiệm hội nghị hội thảo, chi đi nước ngoài, lễ hội, kể cả gần đây là tiến hành thí điểm khoán xe công.
Trong thời gian từ nay đến năm 2020, chúng ta phải tập trung vào triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn trong Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương là tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công lập.
Để làm được điều này cần các cấp, các ngành thực sự vào cuộc.
Bộ Tài chính đã và đang làm như thế nào để tinh giản bộ máy?
Trong hai năm qua, Bộ Tài chính đã thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công và bước đầu đạt kết quả tốt. Ngay trong cơ quan Bộ cũng đã sắp xếp lại và cắt giảm 27 đầu xe. Cùng với đó, Bộ đang trình Chính phủ Nghị quyết về xe công và tới đây sẽ được Chính phủ ký ban hành.
Những năm qua, cùng với sắp xếp chức năng các đơn vị trong bộ, Bộ Tài chính sẽ tiến hành bước tiếp theo là sắp xếp các đơn vị quản lý nợ công, tập trung một đầu mối huy động vốn vay ODA… với tinh thần không tăng biên chế, bộ máy.
Bên cạnh đó, Bộ rà soát, duyệt phương án cắt giảm, sắp xếp lại các cơ quan thuộc hệ thống kho bạc Nhà nước theo hướng giảm đầu mối và sáp nhập 43 phòng về kho bạc tỉnh.
Đối với ngành thuế, chúng tôi cũng đã duyệt đề án 3 năm, trước mắt năm 2018 sẽ sắp xếp 327 chi cục thuế quận huyện thị xã theo phương hướng liên vùng…