Khoảng 233.000 tỷ đồng là số tiền đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong năm 2022. Miễn giảm như vậy, nhưng thu ngân sách nhà nước năm 2022 vẫn vượt hơn 27% so với dự toán.
Năm nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi của kinh tế thế giới. Mục tiêu và giải pháp của ngành Tài chính trong năm nay như thế nào sẽ là nội dung chính trong cuộc trao đổi đầu xuân giữa phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
PV: Thưa Bộ trường, năm Nhâm Dần đã qua, vậy nhìn lại thì những chính sách nào đã giúp ngành Tài chính đạt được mục tiêu kép, vừa đóng góp cho tăng trưởng, cho nguồn thu và đồng thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ giảm, giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp với tổng mức 233.000 tỷ. Đây là nguồn lực to lớn nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bứt phá và phát triển. Thứ hai, chúng tôi đã đề xuất giảm thuế môi trường trong xăng dầu, từ 4.000 đồng xuống còn 1.000 đồng, giúp giảm giá xăng dầu và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống còn 10%. Chính điều này đã giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp và giải quyết khó khăn giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Đồng thời áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong vấn đề thu thuế để tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, chống trốn thuế, chống chuyển giá.
Năm 2022, chúng tôi đã thu được 1.803.000 tỷ, vượt thu ngân sách dự toán 27,76%, tăng so với cùng kỳ của năm trước 14%. Đây có thể nói là một số thu ngân sách kỷ lục.
PV: Vậy đâu là điểm nghẽn, tồn tại, những phát sinh mới mà ngành Tài chính chưa thể giải quyết dứt điểm được?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thứ nhất là một số vướng mắc về cơ chế chính sách của một số dự án, nội dung tháo gỡ cho sự phát triển. Thứ hai là vấn đề tồn tại của trái phiếu doanh nghiệp bung ra quá nóng và một số doanh nghiệp đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật nên ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường. Thứ ba là giải ngân đầu tư công chậm do công tác chuẩn bị không được đầy đủ. Ba nút thắt này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Ngoài ra, tác động của kinh tế thế giới như giá cả tăng cao và lạm phát cũng đã tác động đến quá trình phát triển.
PV: Năm Quý Mão đã sang, đâu sẽ là chính sách trọng tâm của Bộ Tài chính để gỡ các nút thắt và từ đó đạt được các mục tiêu của năm?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thực hiện tốt chính sách tài khóa, đặc biệt là dự toán ngân sách, chi ngân sách và dự toán thu ngân sách đã được Quốc hội phê chuẩn, tiếp tục hướng về doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế môi trường xăng dầu; giảm 30% tiền thuê đất và một số cơ chế chính sách khác để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; đồng thời đôn đốc giải ngân đầu tư công và bố trí những dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phát cho nền kinh tế phát triển.
Thứ hai, chúng tôi tập trung ổn định thị trường chứng khoán. Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ để sửa, ban hành Nghị định 65 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nguồn vốn và đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trở thành một kênh huy động vốn trung hạn một cách có hiệu quả, minh bạch hơn, đúng đắn hơn, chính xác hơn; đồng thời xây dựng sàn chứng khoán riêng tại sàn HNX của Hà Nội để tạo sự minh bạch trong quá trình giao dịch.
Thứ ba là giữ được chỉ số CPI dưới 4%, nợ công đạt ở mức thấp 40 - 42% và bội chi ngân sách dưới 4% do Quốc hội giao. Đây là những chỉ tiêu cơ bản chúng tôi quyết tâm đạt được trong năm 2023.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam!