Tính cần thiết xấy dựng Bộ quy tắc ứng xử trên MXH
Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, môi trường mạng đang trở thành nơi phát tán nhiều thông tin xấu độc, bên cạnh những lợi ích đã được khẳng định. Nhiều thông tin chống phá, sai sự thật, bôi nhọ, phỉ báng được đăng tải và lan tỏa nhanh chóng. Việc lộ lọt thông tin cũng tăng cao hơn bao giờ hết khi mạng xã hội phát triển. Do đó, cần thiết phải xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…
Ông Đỗ Quý Vũ, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) do cơ quan này soạn thảo trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Bhutan, Anh Quốc, Trung Quốc, vùng Toronto (Canada), báo New York Times. Hiện tại, chưa có một nước nào ban hành bộ quy tắc trên phạm vi cả nước. Quy tắc chỉ cho cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức trong doanh nghiệp. Quy tắc ứng xử trên MXH của Bhutan và Trung Quốc được xây dựng theo hướng chỉ dẫn, giúp người sử dụng MXH chấp hành pháp luật.
Từ những kinh nghiệm này, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đề xuất xây dựng Bộ quy tắc dành cho người sử dụng MXH và nhà cung cấp dịch vụ MXH. Nguyên tắc xây dựng Bộ quy tắc là: thượng tôn pháp luật, minh bạch, lành mạnh, bảo mật thông tin.
Bộ quy tắc được xây dựng bởi cơ quan quản lý nhà nước?
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Tổng biên tập báo Ngày Nay cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử không nên được xây dựng bởi cơ quan quản lý nhà nước. Đây là những quy tắc mang tính đạo đức.
Trong khi đó, ý kiến của các nhà mạng Vinaphone và Viettel là Bộ quy tắc ứng xử nên được xây dựng theo hướng trợ giúp người sử dụng MXH tự quyết định hành vi của mình. Bộ quy tắc cần đưa ra các nguyên tắc nên và không nên đối với những người sử dụng MXH.
Đại diện công ty Asia Power Group , đơn vị tư vấn pháp lý cho Google và Facebook không nêu quan điểm, nhưng cho biết, các ý kiến đưa ra tại tọa đàm sẽ được công ty này gửi lại cho Google và Facebook.
Đại diện A87 Bộ Công An cho biết, các ý kiến góp ý cho Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đã được gửi bằng văn bản.
Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho rằng, việc xây dựng Bộ quy tắc cần hướng đến đại chúng trên cơ sở dân chủ, pháp quyền. Tránh thuyết âm mưu rằng Bộ Thông tin truyền thông đưa ra bộ quy tắc để "xét lại", không vì mục tiêu quản lý để phát triển.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cần có quy định về thời gian sử dụng MXH như đối với game online. Hiện tại, các nhà cung cấp game online đã cho hiện một cảnh báo về thời gian chơi. Đối với MXH, trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng tới 2,5 giờ/ngày để vào MXH.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, Bộ quy tắc cần được xây dựng để tránh những hành vi vì lợi ích cá nhân. Có những chuyện thông tin chưa lên báo, nhưng có người đã đăng lên MXH. Đến khi cơ quan thanh tranh công bố kết quả thanh tra thì văn bản có nội dung tương tự như trên MXH. Từ đó công chúng quay sang tin tưởng cá nhân đó và mục đích cá nhân đã được thực hiện.
Kết thúc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định việc xây dựng quy tắc ứng xử trên MXH là cần thiết và cấp bách. Hội thảo ngày 18/5 mới là những "xới xáo" ban đầu và Bộ quy tắc sẽ được tiếp tục sửa đổi trước khi được tham khảo ý kiến rộng rãi trên MXH.
"Tôi cũng rất băn khoăn và đã nói với Chủ tịch Quốc hội: Nên chăng, nên để một hội ban hành thay vì cơ quan nhà nước? Nhưng khoan nói về việc ban hành, tính cần thiết của Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là có. Giống như việc xây dựng khế ước trên MXH, làm sao để có môi trường lành mạnh, nhân văn, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Bộ quy tắc không nhằm hạn chế MXH mà muốn thúc đẩy sự phát triển, nhưng hoạt động phải nhân văn, đạo đức" – ông Trương Minh Tuấn nói.