Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc khoá học dành cho Giám đốc các Sở TT&TT (Nguồn ảnh: mic.gov.vn).
|
Khoá học dành cho Giám đốc các Sở TT&TT là khoá học lần đầu tiên được Bộ TT&TT tổ chức theo một phương thức mới nhằm trang bị cho những người đứng đầu ngành ở các tỉnh, thành trong cả nước “một nhận thức mới, một tinh thần mới, một năng lượng mới”.
Trao đổi sau khi khai mạc khoá học đặc biệt này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Tên đúng của Bộ Thông tin và Truyền thông đáng lẽ phải gọi là Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Nhưng với tên rút gọn, Bộ Thông tin và Truyền thông như hiện nay, đồng thời với nó là sự thiếu quan tâm đến mảng viễn thông, công nghệ thông tin, nên Bộ đang bị nhận thức là Bộ thông tin tuyên truyền.
Như vậy, tức là cần phải nhìn nhận đầy đủ hơn về vai trò quản lý trong các lĩnh vực trực thuộc Bộ TT&TT phải không, thưa Bộ trưởng?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ TT&TT có sáu lĩnh vực quản lý nhà nước, bao gồm:
Một là Bưu chính, là hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử.
Hai là Viễn thông, là hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số.
Ba là Công nghệ thông tin, là chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, thành phố thông minh.
Bốn là An toàn, an ninh mạng, là tạo ra một không gian mạng an toàn nhằm thúc đẩy một xã hội số.
Năm là Công nghiệp ICT, là lĩnh vực phát triển các DN công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, là công nghiệp sản xuất phần mềm, công nghiệp sản xuất phần cứng, công nghiệp điện tử-viễn thông, công nghiệp ứng dụng CNTT, công nghiệp nội dung số, công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp sản xuất thiết bị Internet vạn vật, phát triển và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0.
Và sáu là Thông tin tuyên truyền, bao gồm báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại.
Trong đó, lĩnh vực ICT của Bộ là nền tảng để thúc đẩy kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, thì cơ bản là các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT, với trên 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động và tạo ra doanh thu hàng năm gần 100 tỷ USD.
Ở lĩnh vực thông tin tuyên truyền phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Tất cả các định hướng trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ và Bộ đang tập trung mọi nguồn lực và bộ máy từ trung ương đến các Sở để tổ chức thực hiện.
Với những nội dung quan trọng như nêu trên, để Bộ TT&TT có thể thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT thì vai trò đầu mối, phối hợp của Sở TT&TT tại các địa phương là vô cùng quan trọng, tạo nên sự thông suốt trong chỉ đạo, thực hiện từ trung ương đến địa phương. Số lượng các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở TT&TT là khá nhiều, có nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm có sự vận động nhanh, phát triển liên tục, mang tính công nghệ cao, rất khác với tính chất, đặc thù của các Sở khác. Thực tế đó đòi hỏi phải có cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành được tổ chức thống nhất, đồng bộ tại tất cả các địa phương để công tác quản lý nhà nước của Bộ TT&TT được thống nhất, thông suốt, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển công nghệ, công nghiệp và dịch vụ ICT của địa phương cũng như của đất nước.
Trong một số lần phát biểu, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến vai trò và những yêu cầu đối với người đứng đầu các Sở TT&TT, trong đó có việc phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định mang tính đặc thù của Ngành. Vì sao Bộ trưởng đặc biệt coi trọng vai trò của các Giám đốc Sở TT&TT?
Muốn Sở TT&TT đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của mỗi tỉnh, thành, muốn Sở TT&TT đúng là Sở Công nghệ Thông tin và Truyền thông thì đầu tiên phải là nhận thức đúng về vai trò của Sở và nhận thức đúng về sáu lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở. Đồng thời, nhận thức đúng về tầm quan trọng của Công nghệ và Tuyên truyền trong sự phát triển của đất nước: Tuyên truyền tạo lên sự ổn định, còn Công nghệ tạo lên sự phát triển.