Điều động gần 300.000 lượt cán bộ chiến sĩ vào Nam là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; và Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tại tổ thảo luận số 2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, trong suốt 2 năm Covid-19 là một "cuộc chiến" chưa từng có tiền lệ, nhưng phạm vi và mức độ ảnh hướng lại vô cùng lớn, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt đã ảnh hưởng sinh mạng, sức khỏe người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, trong suốt 2 năm chống dịch, lãnh đạo đã có những lúc phải đứng trước nhiều quyết định rất khó khăn. Đầu tiên là việc giãn cách xã hội. Việc giãn cách xã hội được áp dụng từ tháng 4/2020, nhưng khi đó số ca nhiễm không lớn. Nhưng giai đoạn vừa qua, việc giãn cách xã hội rất khó khăn, nhất là với 19 tỉnh, thành phía Nam.
"Lần này, biện pháp cao hơn được áp dụng nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội, quyết định này đã mở đường cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp, nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Y tế cho biết, điển hình ở TP.HCM, trước khi đưa ra quyết định giãn cách, tăng cường giãn cách, lãnh đạo đã phải rất cân nhắc, tính toán. Bộ trưởng giải thích, lý do bởi câu chuyện lo an sinh cho 4 triệu người dân với thành phố là một thách thức rất lớn.
Một quyết định lịch sử khác cũng được Bộ trưởng Bộ Y tế đề cập, đó là việc điều động nhân lực với số lượng lớn chưa từng có, lên tới 300.000 lượt cán bộ chiến sĩ, gồm cả lực lượng y tế, công an và quân đội. Theo Bộ trưởng, đây là lần điều động lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử.
Quyết định khó khăn thứ ba là việc thiết lập các phòng cấp cứu và trung tâm hồi sức tích cực ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Cụ thể, Bộ trưởng chia sẻ, mặc dù TP.HCM so với các nơi khác có nền tảng y tế tốt nhất, nhưng bệnh nhân tăng nhanh, rất nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu.
"Do đó, chúng ta đã quyết định thành lập trung tâm hồi sức tích cực và phải điều những lực lượng thậm chí chưa bao giờ làm việc đó cùng vào cuộc", lãnh đạo ngành y tế chia sẻ.
Trong suốt 2 năm chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, lãnh đạo đã có những lúc phải đứng trước nhiều quyết định rất khó khăn. Nguồn: Quốc hội.
Không thể đưa số ca nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0
Về việc chuyển trạng thái chống dịch, ông Long cho rằng, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh.
"Chúng ta cũng không thể đưa số ca nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong", ông Long nói và cho biết để làm được điều đó, phải đảm bảo được 3 tiêu chí: Tỷ lệ bao phủ vaccine, chỉ số về mức độ lây nhiễm và chỉ số đáp ứng của hệ thống y tế.
Theo quan điểm của Bộ trưởng, khi mở cửa theo Nghị quyết 128, nếu không kiểm soát được thì phải nâng cấp độ, và quan trọng là giải pháp thống nhất trên toàn quốc, chấm dứt chuyện "ngăn sông cấm chợ", "mỗi nơi một thế giới".
Sang năm có thể mở rộng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ trên 3 tuổi
Về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế cho biết, chúng ta đã phải vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu vaccine, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đứng thời hạn, giá mua không được tính lại… Nhưng Nghị quyết 21 của Chính phủ đã mở đường cho việc tiếp cận vaccine một cách dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn.
"Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vaccine của các tổ chức với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Long thông tin.
Theo đó, với gần 70 triệu liều vaccine đã được tiêm, có ngày số mũi vaccine đã tiêm cho người dân còn đạt kỷ lục 2 triệu mũi. Kinh nghiệm ở đây, Bộ trưởng chia sẻ, đó là chia nhỏ các khu vực, bố trí điểm tiêm cố định và lưu động với mục tiêu, quyết tâm phủ vaccine mũi 1 cho khoảng 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em.
"Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để từng bước mở rộng đối tượng tiêm cho đối tượng 12-17 tuổi, sang năm có thể mở rộng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ trên 3 tuổi", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.