Chiều nay 4/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn Tp.HCM) cho hay, thương mại điện tử trong thời gian qua bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội cũng rất phức tạp.
"Thời gian tới, để hạn chế và ngăn chặn những hành vi vi phạm trên để hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và phát triển quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ trưởng sẽ triển khai những giải pháp gì? Liên quan đến vấn đề này, việc triển khai đánh thuế thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ được thực hiện thế nào?", đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong thương mại điện tử Việt Nam phải đối mặt 3 thách thức rất lớn: người tiêu dùng phải đối mặt với việc mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng; tính an toàn chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; việc thất thu thuế còn tỉ lệ đáng kể.
Ông Diên cho hay, việc bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, đúng là có tình trạng lộ, lọt trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng.
Thời gian qua, Bộ Công Thương nhận định rõ vấn đề này và nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2024 và Nghị định 55 để hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung việc tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng như xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh người tiêu dùng. Luật này có hiệu lực từ 1/7/2024, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.
Thời gian tới, ông Diên cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Công an trong việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quy định pháp luật, toàn diện trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử; đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật.
Bên cạnh đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ hàng Việt. Ông Diên đồng tình với phản ánh của đại biểu về tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng thâm nhập vào thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh đến các doanh nghiệp trong nước.
Bộ Công Thương thường xuyên khuyến nghị với nhà sản xuất cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đồng thời đẩy mạnh thực hiện người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.
Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó tách bạch giữa hàng hóa thông thường với hàng hoá thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này", Bộ trưởng thông tin.
Bên cạnh đó, ông Diên cho biết: "Bộ tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng nhập khẩu quan biên giới trị giá dưới 1 triệu đồng. Qua theo dõi 4 sàn thương mại điện tử lớn, giá trị nhập khẩu về Việt Nam mỗi tháng đạt trên dưới 1 tỷ USD. Vì thế, nếu không điều chỉnh, Việt Nam sẽ mất thuế", ông Diên nói.
"Thời gian vừa qua chúng tôi thường xuyên cắt giảm đơn giản hoá thủ tục hành chính, trong TMĐT thực hiện cung cấp dịch vụ công cấp độ 4. Cắt giảm tối đa 23 hơn 10.000 hồ sơ", ông Diên nhấn mạnh.
Có 1 số trường hợp, trường hợp doanh nghiệp chi phối thị trường, cần ý kiến bộ ngành, trong đó có Bộ Công an.
Đối với kinh doanh hàng hoá có điều kiện, ông Diên cho rằng lĩnh vực này cũng cần xin ý kiến bộ ngành khác, nên chậm trễ. Còn các lĩnh vực khácthì Bộ không chậm trễ.
Theo tư lệnh ngành Công Thương, thời gian tới ngành sẽ tăng cường kỷ luật, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực TMĐT, bảo đảm chất lượng, giải quyết hồ sơ, kết nối chia sẻ với dữ liệu cơ quan liên quan.
Liên quan đến xuất khẩu qua sàn TMĐT, ông Diên khẳng định quản lý thương mại thông thường khó, trên TMĐT còn khó hơn gấp nhiều lần. Bộ Công Thương tham mưu cho CP ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023 công khai thông tin, tăng cường kết nối dữ liệu bộ ngành với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế…
Ban hành cơ chế giám sát thâu tóm của các sàn thương mại điện tử đối với doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước. Đối với rủi ro hàng nước ngoài xâm nhập ồ ạt vào Việt Nam, ông Diên cho rằng: "Ngoài việc đề nghị doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng Bộ đã đề xuất Chính phủ nhiều ưu đãi đối với tín dụng, thuế đối với doanh nghiệp xây dựng kho bãi ở biên giới, kho ngoại quan".