Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương đã giải đáp nhiều vấn đề được các Đại biểu Quốc hội chỉ ra.
Cần phân định giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp
Theo ông Trần Tuấn Anh, có 3 nguyên nhân gây nên những tồn tại, hạn chế của DNNN được Bộ trưởng Bộ Công thương nêu lên:
Thứ nhất, văn bản luật và dưới luật còn xung đột, có khoảng trống. Điều này dẫn đến việc hoạt động của DNNN, hoạt động quản lý phần vốn trong DNNN còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong đó, có sự chồng chéo giữa quản lý nhà nước của các bộ ngành với vai trò quản trị, chủ quản của các DNNN.
"Điều này dẫn đến hiện tượng kép: Một mặt, hoạt động của các doanh nghiệp thiếu tự chủ vì chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước; Mặt khác bản thân đội ngũ quản trị doanh nghiệp lại có tâm lý né tránh trách nhiệm, ỷ lại, đẩy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước" – ông Trần Tuấn Anh nói.
Thứ hai, có sự vừa đá bóng vừa thổi còi. Hàng loạt chủ trương lớn trong việc phát triển kinh tế ngành, quy hoạch, chiến lược, được xây dựng bởi các DNNN, rồi lại được thẩm định bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến chuyện chất lượng của các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không đảm bảo hiệu quả, nhiều trường hợp "dắt trâu qua rào". Có những dự án với quy mô rất lớn, chất lượng thẩm định không cao, dẫn đến tình trạng mất vốn, lãng phí, sai phạm trong tổ chức thực hiện.
Thứ ba, có tình trạng cố tình làm sai, vi phạm trong hoạt động chỉ định đầu tư, thực hiện đầu tư. 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương thể hiện rất rõ tình trạng đội ngũ quản lý vốn nhà nước, quản trị doanh nghiệp, cán bộ doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước thiếu trách nhiệm.
Kiến nghị 2 điểm của Bộ Công thương
Đồng tình với ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, ông Trần Tuấn Anh nêu thêm 3 kiến nghị từ quan điểm của Bộ công thương.
Thứ nhất, đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần quán triệt rõ các nguyên tắc chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhưng đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc của thị trường.
"Tôi cũng đồng tình với ý kiến đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) là phải xác định rõ nguyên tắc hoạt động để không phải thoái vốn, bán đi những lĩnh vực kinh doanh rất có hiệu quả của các doanh nghiệp để rồi tiếp tục đi đầu tư, mua vốn ở những lĩnh vực hoạt động khác mà thậm chí hoạt động kinh doanh còn chưa cao bằng" – ông Trần Tuấn Anh nói.
Thứ hai, cần làm rõ những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo khai thác và quản lý vốn của nhà nước có hiệu quả. Trong một số trường hợp, giữ lại phần vốn quá cao thì không đảm bảo mục tiêu của thoái vốn nhà nước, nhưng duy trì vốn ở mức tối thiểu thì không đảm bảo lợi ích của Nhà nước vì không còn giữ được vai trò chi phối, cổ tức được hưởng cũng không đảm bảo.
Về phía Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý, bảo đảm nhằm mục tiêu phát triển bền vững của DNNN. Đồng thời, luật hóa các quy định khi hội nhập quốc tế để doanh nghiệp trong nước (gồm: doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước) tận dụng được cơ hội, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững.